banner
Thứ 3, ngày 26/11/2024
HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV
20-11-2017
Trong 3 ngày, từ ngày 16 đến ngày 18/11/2017, Quốc hội đã tiến hành hoạt động động chất vấn tại kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và điều hành các phiên họp chất vấn.
HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV
Đại biểu Tô Văn Tám – tỉnh Kon Tum chất vấn Thủ tướng chính phủ

Trong ngày 16/11/2017 (đến 15 giờ) sau khi nghe Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Đã có 49 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 07 đại biểu tranh luận đối với Bộ trưởng về các nội dung chủ yếu: Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả: căn cứ xác định mức trần nợ công; trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc vay về cho vay lại và hiệu quả việc sử dụng khoản vay lại; hiệu quả sử dụng vốn vay cho đầu tư công, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Luật quản lý nợ công… Trong quá trình chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan...

Từ 15 giờ 05 ngày 16/11/2017 đến 10 giờ 20 ngày 17/11/2017, Quốc hội tiến hành chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Sau khi nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo tóm tắt những vấn đề đã được đại biểu Quốc hội gửi đến Thống đốc từ đầu kỳ họp thứ 4, trả lời trực tiếp các câu hỏi của  39 đại biểu Quốc hội tại hội trường và 03 đại biểu tranh luận về các nội dung chủ yếu: Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; kết quả tái cơ cấu ngân hàng; Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; xử lý nợ xấu và các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; Vấn đề giãn nợ; giảm lãi suất cho vay; Công tác điều chỉnh và quản lý Bitcoin; việc sử dụng thẻ ATM và các loại phí; Thanh toán ko dùng tiền mặt và các biện pháp để mở rộng, phát triển thanh toán ko dùng tiền mặt; Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn và các giải pháp sắp tới của ngành; Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn; Tác động của các công ty Fintech và các giải pháp để phát triển hoạt động của các công ty Fintech…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã đánh giá cao kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của Ngân hàng nhà nước đã thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng nhà nước cũng như Thống đốc tiền nhiệm và Thống đốc hiện tại. Tuy nhiên việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, tỷ lệ nợ xấu tuy dưới 3% nhưng vẫn ở mức cao. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng như Báo cáo của Chính phủ mới đạt kết quả bước đầu. Thống đốc đã trả lời các đại biểu trước là có 5 giải pháp để xử lý nợ xấu và các giải pháp tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của vấn đề trên như thế nào và với mục tiêu đến năm 2020 căn bản xử lý xong nợ xấu và các tổ chức tín dụng thì có làm được không? Trong việc thế chấp vay vốn hiện nay người dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chủ yếu dùng tài sản cố định như bất động sản để thế chấp vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn khi thực hiện việc thế chấp. Thống đốc cho biết các giải pháp tháo gỡ để cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong thế chấp bất động sản trong ngân hàng?

Từ 10 giờ 20 đến 17 giờ ngày 17/11/2017, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Đã có 63 đại biểu Quốc hội đăng ký, trong đó 30 đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn và 7 đại biểu tranh luận đối với Bộ trưởng về các nội dung chủ yếu: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng Chính phủ điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật; việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với tinh giản biên chế; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; Những hạn chế trong ngành truyền thông, báo chí và giải pháp ngăn ngừa những sai phạm của báo chí; tình trạng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận; giải pháp chấn chỉnh tình trạng phóng viên vi phạm pháp luật, không đúng tôn chỉ mục đích của ngành; Tình trạng lấn áp của truyền hình thương mại đối với truyền hình công và giải pháp để giữ vai trò chủ đạo của truyền hình công; chất lượng của các kênh truyền hình thiếu nhi; Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội: an toàn, an ninh thông tin; quảng cáo sai sự thật và các biện pháp hạn chế quảng cáo sai sự thật; các giải pháp đột phá để kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội; chính sách để thúc đầy phát triển mạng xã hội do Việt Nam sáng tạo…;  Vấn đề hoàn thiện pháp luật và thực thi nghiêm pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông… Trong quá trình chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu…

Buổi sáng ngày 18/11/2017, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Đã có 41 đại biểu Quốc hội đăng ký, trong đó đại biểu Tô Văn Tám và 29 đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn và 09 đại biểu tranh luận đối với Chánh án về các nội dung chủ yếu: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, đánh bạc, các vụ án tham nhũng; việc xử lý các vụ án xét xử nhiều lần, các vụ án oan sai, án treo; nguyên nhân kéo dài thời gian xử lý một số vụ án và giải pháp khắc phục; các bản án đã có hiệu lực nhưng có kháng nghị; giải pháp để bảo đảm các bản án được công khai nhưng vẫn bảo đảm bí mật cho những người có liên quan; nâng cao chất lượng xử lý các đơn thư giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm …; bản án sơ thẩm ko bị kháng cáo, kháng nghị; thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự; Quyền khởi kiện của công đoàn đối với các doanh nghiệp; việc tiếp nhận, thụ lý, xử lý các vụ khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; về việc xây dựng bản án lệ, cơ sở xây dựng và phát triển án lệ, hiệu quả của việc áp dụng án lệ; Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; giải pháp đột phá của ngành tòa án trong việc tinh giảm biên chế nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chất lượng xét xử; cơ sở hạ tầng của các tòa án cấp cơ sở... Trong quá trình chất vấn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo đại biểu Tô Văn Tám đội ngũ công chức thẩm phán của ngành tòa án đã được đào tạo rất cơ bản, có 13.805 người có trình độ từ bậc đại học trở lên, số còn lại có trình độ phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí công tác, do vậy chất lượng công tác được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động xét xử vẫn còn 0,45% do nguyên nhân chủ quan nên án bị hủy. Tỷ lệ này trong dân sự, hôn nhân gia đình là 0,58%, vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu đương sự, bị cáo. Những tỷ lệ trên là nhỏ và hiện tượng nhũng nhiễu không nhiều nhưng bởi độ nhạy cảm của hoạt động xét xử và của người thẩm phán nên hiệu ứng trong dư luận là đáng kể. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân của vấn đề và các giải pháp căn cơ để khắc phục? Một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phải thu hồi tài sản tham nhũng đã bị chiếm đoạt, trên thực tế số tài sản tham nhũng thu hồi thời gian qua chưa cao. Như nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng rằng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết tình hình thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua, các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới? 

Buổi chiều ngày 18/11/2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đã có 48 đại biểu Quốc hội đăng ký, trong đó đại biểu Tô Văn Tám và 22 đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn và 04 đại biểu tranh luận đối với Thủ Tướng về các nội dung chủ yếu: Tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế và giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng; vấn đề cổ phần hóa, phát triển doanh nghiệp; vai trò và sự đóng góp của kinh tế tư nhân; cải thiện môi trường kinh doanh; thực trạng của doanh nghiệp FDI trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới; sự chênh lệch giàu nghèo và giải pháp khắc phục; các vấn đề an sinh xã hội; Hiệp định CPTTP và hội nhập quốc tế của Việt Nam; giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế; Vấn đề quản lý nợ công, vay nợ nước ngoài; dự án BOT và chủ trương của Chính phủ đối với các dự án BOT trong thời gian tới, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; Công tác điều hành của Chính phủ; xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử; tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đô thị thông minh và biện pháp hỗ trợ phát triển đô thị thông minh; Sự lạm dụng quyền lực và các vụ án tham nhũng; vấn đề kỷ luật công vụ; tăng cường hiệu lực của chính quyền cơ sở; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các giải pháp đột phá; giải cứu nông sản và các giải pháp căn cơ để khắc phục giữa giá bán và giá mua; phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; phát triển du lịch, đầu tư cho văn hóa; Nạn phá rừng, kết quả của lệnh đóng cửa rừng, giải pháp giữ và phát triển rừng hiệu quả,...

Đại biểu Tô Văn Tám đã chất vấn 2 vấn đề: Thứ nhất, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo khá thành công. Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo, sự phân hóa xã hội cũng đang diễn ra. Chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, Tây Nguyên. Trong cơ chế thị trường khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng lớn như một xu hướng. Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này và các giải pháp khắc phục? Thứ hai, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn về vai trò và sự đóng góp của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế đất nước và đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích và phát triển loại hình kinh tế này. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng cho biết những giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả định hướng này?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các chất vấn chưa được trả lời tại Hội trường sẽ được các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên bế mạc kỳ họp./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Icon Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017
Icon Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016
Icon Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng
Icon Hoạt động trong tháng 10 và 11/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV
Icon Một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong Quý 3/2017
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp 4 - Quốc hội khóa XIV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE