banner
Thứ 5, ngày 9/1/2025
VẤN ĐỀ VỀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
20-8-2020
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đã được kỳ họp thứ 9 của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ nhất, qua đó cho thấy một số vấn đề cần quan tâm sau đây:
VẤN ĐỀ VỀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Việc lập biên bản vi phạm hành chính và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Dự thảo luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ hơn thời hạn, địa điểm lập biên bản vi phạm, bổ sung việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử, tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc quy định rõ ràng thời hạn, địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính và bổ sung việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử là cần thiết. Tuy nhiên cần nghiên cứu để rút ngắn hơn thời hạn lập biên bản để đảm bảo việc xử lý vi phạm được tiến hành nhanh chóng, kịp thời; bổ sung quy định trường hợp được lập biên bản bằng phương thức điện tử, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết.

Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều đại biểu tán thành tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như quy định của dự thảo luật, để người có thẩm quyền đủ thời gian xem xét, ra quyết định xử phạt, tháo gỡ khó khăn cho người có thẩm quyền. Tuy nhiên để đảm bảo cho việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng kịp thời, trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì thời hạn ra quyết định xử phạt cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Bởi vậy cần cung cấp thêm cơ sở của việc tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về việc bỏ quy định thủ tục gia hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì cần nhìn nhận rằng khi chưa quy định được cụ thể căn cứ để gia hạn như thế nào là tình tiết phức tạp, trường hợp nào là đặc biệt nghiêm trọng, thì việc quy định thẩm quyền, thủ tục gia hạn như hiện hành là cần thiết, tránh tùy tiện, do vậy cần giữ lại quy định này.

 Về sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính: So với Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo đã bổ sung lĩnh vực cứu nạn cứu hộ, và giao cho Chính phủ quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quy trình thu thập sử dụng dữ liệu từ phương tiện thiết bị do cá nhân, tổ chức khác cung cấp làm căn cứ xác định vi phạm hành chính, bổ sung quy định chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính, tôi tán thành việc giao Chính phủ quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật và quy định chủ thể được sử dụng phương tiện, kỹ thuật để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm hành chính, là phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên cần giải trình rõ hơn sự cần thiết, căn cứ để bổ sung lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính.

 Về chức danh có thẩm quyền xử phạt: Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng điều chỉnh, bổ sung, bỏ tên một số chức danh có thẩm quyền xử phạt. Về vấn đề này thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy dẫn đến có sự thay đổi về chức danh có thẩm quyền xử phạt, bên cạnh đó một số chức danh được các luật khác bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, do vậy việc sửa đổi bổ sung về tên chức danh có thẩm quyền xử phạt là cần thiết, tuy nhiên cần bổ sung thuyết minh làm rõ căn cứ của việc sửa đổi bổ sung chức danh có thẩm quyền xử phạt, đồng thời tiếp tục rà soát, trên cơ sở phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước để quy định chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị. Cũng cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số chức danh kiểm toán nhà nước, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán để đảm bảo đồng bộ với Luật kiểm toán nhà nước.

 Tương tự như quy định về chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cần tiếp tục rà soát các chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chức danh có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính: Dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung theo hướng thẩm quyền tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính không bị giới hạn bởi giá trị tang vật, phương tiện, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, bởi đây là việc liên quan đến vấn đề quyền sở hữu là quyền cơ bản của công dân đã được hiến định, nếu mở rộng như vậy sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, bởi vậy cần nghiên cứu kỹ về cơ sở pháp lý của sự sửa đổi bổ sung này./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN TÂM CẦN HOÀN THIỆN TRONG DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI VIỆT NAM LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Icon Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Một số kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon VỀ LỰC LƯỢNG THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG TRONG DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon BA VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM HOÀN THIỆN TRONG DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Một số kết quả kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV và Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại kỳ họp
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần cuối của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE