banner
Thứ 5, ngày 9/1/2025
MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN TÂM CẦN HOÀN THIỆN TRONG DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI VIỆT NAM LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
10-8-2020
Dự thảo sửa đổi Luật người lao động Việt Nam ở nước ngoài đã được kỳ họp thứ 9 của Quốc hội thảo luận lần thứ nhất, có nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong đó có ba vấn đề cần quan tâm đó là:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN TÂM CẦN HOÀN THIỆN TRONG DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI VIỆT NAM LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

 Thứ nhất, vấn đề bảo vệ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, chúng ta thấy rằng sau khi Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được ban hành, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng nhiều, bình quân mỗi năm có khoảng 110.000 người đi ra nước ngoài làm việc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, số người Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã đạt hơn 132.800 người, ngoài ra còn nhiều người đi lao động không qua kênh chính thức mà vẫn thường gọi là lao động chui. Lao động ở nước ngoài có thu nhập khá ổn định, nên đã góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng họ cũng đang phải đối mặt với những rủi ro, bị lạm dụng, bạo lực, bị ngược đãi, bị xâm hại, năm 2019 xảy ra vụ thương vong 39 người trong thùng xe tải ở Anh đã làm xôn xao và sự xót thương, chia sẻ của dư luận, và gần đây có cuốn sách mang tên “Đừng chết ở Ả Rập Xê Út” của một người lao động theo hợp đồng, mô tả những cảnh hãi hùng của bản thân khi lao động ở xứ người cũng được dư luận quan tâm. Một khảo sát cho thấy trong quá trình làm việc có khoảng 76% người lao động di cư đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền người lao động, mà ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết pháp lý, bởi vậy sửa đổi luật cần hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ người lao động ở nước ngoài, quan điểm chỉ đạo trong Tờ trình của Chính phủ cũng chỉ rõ: đảm bảo danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự thảo luật cũng đã tiếp cận vấn đề bằng các quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ ở các điểm e khoản 2 điều 28, và một số nghĩa vụ của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này ở các điều 16, điều 18, điều 21, điều 29, điều 30. Trách nhiệm của Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, tại khoản 1 điều 73. Nhưng cơ chế thực hiện trách nhiệm đó như thế nào, cơ chế bảo vệ người lao động như thế nào, chưa được làm rõ, bởi vậy cần bổ sung thêm để bảo vệ tốt hơn người lao động ở nước ngoài.

 Thứ hai, vấn đề bổ sung quy định thời hạn giấy phép 5 năm, và được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm, với lý do nhằm khắc phục những bất cập như đã nêu trong báo cáo tổng kết thi hành luật số 72 hiện hành, và nhằm tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn cho cơ quan quản lý, việc bổ sung này cần lưu ý mấy vấn đề sau: (1) các bất cập hạn chế trong báo cáo tổng kết thi hành luật mà dự thảo lấy làm cơ sở để bổ sung quy định trên, như doanh nghiệp không trực tiếp khai thác tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, một số doanh nghiệp không kiểm soát được hoạt động của cán bộ trong doanh nghiệp, mượn danh nghĩa để thu lợi bất chính, một số điều kiện cấp phép chưa chặt chẽ, doanh nghiệp lập ra không hoạt động vv…với nhưng hạn chế bất cập như vậy thì chỉ sử dụng chế độ hậu kiểm và thu hồi giấy phép là đủ răn đe, khắc phục, mà chưa phải là cơ sở để quy định thời hạn và gia hạn giấy phép như dự thảo. (2) Để quản lý chặt chẽ và tốt cần quy định chặt chẽ đầu vào, và tăng cường kiểm tra, kiểm soạt và giám sát là những công cụ hiệu quả nhất. (3) bổ sung thay đổi như vậy tạo ra nguy cơ gây phiến hà cho doanh nghiệp. Từ những vấn đề trên thiết nghĩ không nên bổ sung quy định này.

Thứ ba, về vấn đề Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước quy định tại chương V của dự thảo, theo báo cáo của Ủy ban tài chính ngân sách, thì giai đoạn 2013-2018 qũy này chi cho hoạt động đào tạo rất ít, chỉ 4 tỷ đồng/62 tỷ đã chi trong tổng số thu là 151 tỷ đồng, chi cho tuyên truyền 13,1 tỷ đồng, chi cho công tác quản lý 13 tỷ đồng vv… một nội dung quan trọng đảm bảo cho chất lượng lao động là đào tạo, nhưng số chi cho hoạt động này rất ít, vậy hiệu quả hoạt động của quỹ này ra sao cần được đánh giá cụ thể. Mặt khác trong 8 nội dung chi hỗ trợ tại khoản 2 điều 69 có nội dung chi ở điểm e là hỗ trợ hoạt động nhằm bảo vệ tính mạng, quyền và lợi ích của người lao động trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, bất ổn về chính trị, chiến tranh của nước sở tại, vậy còn các trường hợp bị xúc phạm, bị xâm hại, bị cưỡng bức mà không thuộc các trường hợp như quy định trên sao không chi hỗ trợ để bảo vệ. Và một điểm cần chú ý nữa là, đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, Quốc hội đã giám sát chuyên đề này rồi và cho thấy có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, nhiều quỹ cần xem lại cơ sở tồn tại, bởi vậy cần cân nhắc thật kỹ sự tồn tại của quỹ này./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Một số kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon VỀ LỰC LƯỢNG THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG TRONG DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon BA VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM HOÀN THIỆN TRONG DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Một số kết quả kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV và Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại kỳ họp
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần cuối của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV
Icon THẤY GÌ QUA KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE