Về quy định Nhân dân ở khu vực biên giới là lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, cần cân nhắc thêm về quy định này. Vì Hiến pháp và một số đạo luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, như khoản 1 điều 31 Luật biên giới quốc gia năm 2003 quy định: xây dựng quản lý bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân. Điều 33 dự thảo luật cũng quy định về trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, tham gia cộng tác lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong quá trình dựng nước và giữ nước cha ông ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quan trọng trong kế sách giữ nước, bảo vệ giang sơn bờ cõi là phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, phải khoan sức dân làm kế sâu rễ bền gốc… truyền thống ấy đã được Đảng và Nhà nước ta coi trọng và phát huy. Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Nghị quyết số 33 của Bộ chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định: Xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới quốc gia. Nội dung này đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp luật. Điều 1 Pháp lệnh bộ đội biên phòng năm 1997 quy định: xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nghĩa vụ của toàn dân. Điều 45 Hiến pháp năm 2013 quy định: bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân, công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Quy định như dự thảo là cơ bản phù hợp, vấn đề là không để trùng lắp với các luật khác và không trái với Hiến pháp.
Những năm qua bộ đội biên phòng đã đoàn kết sát cánh cùng cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân để quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/2015/CT-TTg về tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đảng ủy Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng và cấp ủy chính quyền, các đơn vị biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức bố trí các cụm dân cư ở khu vực biên giới và tổ chức ngư dân bám biển đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương, tổ chức cho nhân dân tham gia quản lý bảo vệ biên giới và đấu tranh khi cần thiết với các phong trào mô hình phong phú như toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giố quốc gia trong tình hình mới, tổ đội tàu thuyền, bến bãi an toàn, tiếng kẻng vùng biên vv… thực tế đã khẳng định nhân dân khu vực biên giới đã thực sự là chủ thể trong công cuộc giữ gìn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin giá trị phục vụ nhiệm vụ đấu tranh với các hành động xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới quốc gia, hoạt động của cac loại tội phạm, trên tuyến biên giới biển, các đơn vị bộ đội biên phòng cũng đã tham mưu, thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả nhiều tổ đội tàu thuyền, bến bãi an toàn với nhiều phương tiện của ngư dân để giúp nhau bám biển để sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó cần có quy định rõ ràng hơn về chế độ chính sách cho lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng, và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng nói chung./.