banner
Thứ 2, ngày 25/11/2024
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
8-9-2022
Thực hiện Luật tổ chức Quốc hội và các quy định của pháp luật liên quan, để nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, trong 02 ngày 07 và 08/9/2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật (Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)) và 01 dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

Tại phiên thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh đã cùng 11 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tham gia. Đại biểu Phạm Đình Thanh cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật, tán thành việc duy trì tổ chức hoạt động của thanh tra cấp huyện.

Về tổ chức Thanh tra cấp Sở, đại biểu cho rằng, cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước. Chức năng nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được quy định rất rõ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo đó, phạm vi quản lý và yêu cầu quản lý chuyên ngành của từng Sở là rất rõ. Vì vậy, nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Nghị định này để quy định việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất, đồng bộ, hoặc thành lập theo áp lực biên chế, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của từng địa phương.

Đối với việc dự kiến giao Thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi của các Sở không có cơ quan thanh tra, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, để Thanh tra tỉnh hoàn thành tốt khối lượng nhiệm vụ tăng thêm này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, tính toán để tham mưu quy định về việc tăng cường biên chế, củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra cấp tỉnh, đảm bảo thanh tra tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, liên quan đến báo cáo kết quả thanh tra, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 3, Điều 69 như sau: “Trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ sau đây: Yếu kém về năng lực quản lý; Thiếu trách nhiệm trong quản lý; Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực”./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tố tụng hình sự tại Chi cục kiểm lâm
Icon Ủy ban thường vụ Quốc hội họp Phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 14
Icon Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh thăm hỏi, tặng quà nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Icon Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tố tụng hình sự
Icon Khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội tại Ban quản lý Vườn Quốc gia ChưMomRay
Icon Khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Một số kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE