Xuất phát từ thực tế công tác quản lý, sử dụng đất đai những năm qua; và trên cơ sở quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu Phạm Đình Thanh tham gia 03 ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau:
Một là, về phân loại nhóm đất nông nghiệp: Về nhóm đất nông nghiệp dự kiến quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, điều 10 cần nghiên cứu tách đất trồng lúa thành loại đất riêng và có quy định phù hợp cho 02 loại đất: đất trồng cây hàng năm, và đất trồng cây lâu năm, theo hướng tạo thuận lợi cho người dân linh hoạt trong việc chuyển đổi cây trồng theo yêu cầu của thị trường trong từng thời gian, đảm bảo phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Thực tế, hiện nay việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi của người dân phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh việc có quy định phù hợp để sử dụng linh hoạt, hiệu quả 02 loại đất này là đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW đó là "có chính sách phù hợp nhằm khai thác, sử dụng đất nông nghiệp với hiệu quả cao nhất".
Ảnh minh họa-ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận ở Hội trường
Thứ hai, về xử lý đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng: Điểm d, khoản 3, Điều 181 Dự thảo luật quy định “Người đang sử dụng đất mà có giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao để làm nhà ở hoặc làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 137 của Luật này”. Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất việc cấp giấy chứng nhận đối với diện tích đất được giao để làm nhà ở (nêu trên). Nhưng đất được giao để sản xuất nông, lâm nghiệp thì cần phải rà soát cụ thể đối với từng trường hợp; và có quy định hạn mức tối đa về diện tích. Vì thực tế, ở vùng Tây nguyên có nhiều trường hợp, trong đó có cả cán bộ nông trường, công ty cà phê, công cao su, công ty lâm nghiệp được giao khoán hàng chục héc ta đất (trước ngày 01 tháng 7 năm 2004) và hiện nay họ đang sản xuất nông, lâm nghiệp trên diện tích đất này. Nếu Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho cá nhân diện tích đất này thì có phù hợp không?; và cấp cho cá nhân diện tích đất như thế có quá lớn không?; có đảm bảo phù hợp với hạn mức giao đất nông nghiệp dự kiến quy định tại Điều 176 của dự thảo luật này không?.
Thứ ba, về trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp trong việc rà soát hiện trạng sử dụng đất dự kiến quy định tại khoản 1, Điều 181. Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Quốc hội, Chính phủ có quy định cụ thể, tạo điều kiện về ngưồn lực và yêu cầu các công ty nông, lâm nghiệp phải khẩn trương tổ chức thực hiện, hoàn thành việc rà soát và lập phương án sử dụng đất (không chờ Luật đất đai - sửa đổi). Khi Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành thì các công ty nông, lâm nghiệp phải thực hiện ngay việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đối với diện tích đất do mình quản lý và bàn giao phần diện tích không sử dụng về cho địa phương. Theo đại biểu, hạn chế yếu kém, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường đã tồn tại trong thời gian quá dài, cần được chỉ đạo, giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt./.