banner
Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Quốc hội thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
26-6-2023
Sáng ngày 24/6/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và 18 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu luận

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Với vai trò nòng cốt xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tham gia hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ, lực lượng này sẽ góp phần quan trọng để giữ vững ổn định an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành bài bản, công phu. Các vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tham mưu Chính phủ báo cáo giải trình, nhìn chung là rất rõ và đầy đủ. Để bổ sung hoàn thiện nội dung dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh tham gia 04 ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật. Một số vấn đề luật dự kiến tác động đến được quy định trong dự thảo luật nhưng phạm vi điều chỉnh dự kiến quy định tại Điều 1 chưa thể hiện đầy đủ, chưa bao quát hết, như vấn đề tuyển chọn, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; việc huy động lực lượng tham gia thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định đầy đủ, bao quát, thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh và các nội dung được quy định trong dự thảo luật.

Thứ hai, về độ tuổi của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, để thực hiện công tác huấn luyện, bồi dưỡng, tham gia diễn tập và thực thi nhiệm vụ, người tham gia lực lượng này phải đảm bảo các điều kiện cần thiết, trước hết là điều kiện về sức khỏe để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, do đó cần thiết bổ sung quy định tiêu chuẩn về độ tuổi tối đa tham gia lực lượng này, cùng với đó cũng nên nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp cho thôi hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thứ ba, về số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng các chức danh tổ trưởng, tổ phó, tổ viên. Tại điểm b khoản 1 Điều 13 dự thảo luật quy định "giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp". Đại biểu Phạm Đình Thanh hoàn toàn thống nhất với việc giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định vấn đề này, tuy nhiên đây là vấn đề lớn, quyết định đến tổng số người hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong cả nước, liên quan đến ngân sách chi trả chế độ, chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động của lực lượng này. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí làm căn cứ để các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng chức danh của tổ bảo vệ an ninh trật tự. Ví dụ xã, phường, thị trấn loại 1 thì có tối đa bao nhiêu tổ bảo vệ an ninh, trật tự, tối đa bao nhiêu chức danh của tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Trên cơ sở mức tối đa đã được quy định và tình hình thực tế của địa phương Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã.

Thứ tư, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều khoản về “giải thích từ ngữ” vào dự thảo luật. Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp cho các vị đại biểu Quốc hội thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật và đặc biệt là nội dung giải thích từ ngữ sẽ giúp cho người áp dụng pháp luật hiểu và thực hiện chính xác, thống nhất về lĩnh vực do luật này điều chỉnh sau khi luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.

Trước đó, tại buổi thảo luận ở Hội trường sáng ngày 23/06/2023 về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 5 ý kiến về việc thống nhất xây dựng, ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; về áp dụng pháp luật; về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng và đề nghị sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam./.

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Cần chính sách ưu tiên và tài chính với đồng bào dân tộc thiểu số về đất đai
Icon Cần nghiên cứu tách đất trồng lúa thành loại đất riêng
Icon Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi)
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Icon Quốc hội chất vấn tại kỳ thứ 5
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE