Phát biểu ý kiến xây dựng Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum thống nhất báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra về sự cần thiết xây dựng, trình Quốc hội xem xét ban hành Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Phạm Đình Thanh đánh giá, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa, toàn diện ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật. Đặc biệt, Dự thảo luật trình Hội nghị này đã được bổ sung nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 2, việc này giúp cho các vị đại biểu Quốc hội thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu, tham gia xây dựng luật và cũng giúp cho người áp dụng pháp luật hiểu, thực hiện chính xác, thống nhất về lĩnh vực do luật này điều chỉnh sau khi được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 2 dự thảo luật ghi "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập, trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, nội dung giải thích từ ngữ nêu trên là chưa đầy đủ, chưa thống nhất với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng này (tại Điều 3) và nội dung quy định tại Điều 5 về quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nếu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ để hỗ trợ lực lượng công an cấp xã như giải thích từ ngữ tại khoản 2 Điều 2 (nêu trên) thì nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, không có lực lượng công an xã, lực lượng này sẽ hoạt động như thế nào?; trong trường hợp lực lượng công an cấp huyện, công an cấp tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng bộ đội biên phòng và các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và tham gia thực hiện nhiệm vụ khác ở cơ sở, địa bàn biên giới, hải đảo thì lực lượng này có trách nhiệm tham gia, phối hợp, hỗ trợ hay không?. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, thống nhất hơn về vấn đề này.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Về hành vi bị nghiêm cấm dự kiến quy định tại Điều 6; khoản 2 điều này dự kiến quy định, nghiêm cấm người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ để nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Theo Đại biểu, quy định như trên là chưa đầy đủ; cần thiết phải bổ sung thêm quy định để nghiêm cấm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác có thể phát sinh ở địa bàn cơ sở, nhất là đối với các khu vực, địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội.
Về tên gọi Điều 7 dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị xem xét bổ sung, sửa đổi tên gọi này đầy đủ là “hỗ trợ nắm tình hình an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình” để đảm bảo phản ánh bao quát nội dung dự kiến sẽ được quy định tại điều luật này./.