banner
Thứ 3, ngày 24/12/2024
ĐOÀN ĐBQH TỈNH CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT
6-9-2023
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chú trọng công tác giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương; triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chuyên đề giám sát được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao. Qua đó, đã cung cấp những thông tin từ thực tiễn của địa phương, từ cơ sở … góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
ĐOÀN ĐBQH TỈNH CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT
Đoàn ĐBQH tỉnh dự Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (trực tuyến) tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: VM

Tại các kỳ họp Quốc hội và các phiên chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 22 lượt chất vấn với 32 ý kiến. Trong đó, chất vấn trực tiếp 17 lượt với 27 ý kiến; chất vấn bằng văn bản 05 lượt với 05 ý kiến đối với Chính phủ, các thành viên Chính phủ về các vấn đề mà cử tri quan tâm thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thi hành pháp luật. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiến hành 27 cuộc giám sát và khảo sát, trong đó giám sát, khảo sát theo chương trình của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có 16 chuyên đề; giám sát, khảo sát theo chương trình của Đoàn ĐBQH tỉnh có 11 chuyên đề. Hầu hết các nội dung giám sát, khảo sát là những vấn đề bức xúc đang được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm như: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc phòng cháy, chữa cháy ...và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác tiếp công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, tính từ ngày 01/7/2014 đến ngày 30/6/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp 235 lượt công dân; tiếp nhận 726 đơn/726 vụ việc của công dân, trong đó có 12 đơn tiếp nhận qua tiếp công dân; 714 đơn tiếp nhận qua bưu điện. Sau khi xem xét, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển 126 đơn đủ điều kiện xử lý đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết; hướng dẫn, trả lời 51 đơn và xử lý lưu 549 đơn, vì đây là những đơn trùng lắp về nội dung hoặc đơn không đủ điều kiện xử lý.

Được sự phân công của lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, qua việc trực tiếp tiếp công dân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách đã tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định pháp luật; tiếp nhận và chuyển ý kiến, kiến nghị của 12 lượt/12 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giải thích và hướng dẫn trực tiếp tại buổi tiếp công dân 221 lượt/206 vụ việc.

Trong quá trình giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh giữ mối quan hệ và phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhằm tránh trùng lặp về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát, khảo sát. Qua đó, đã tạo sự chủ động về thời gian để đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh tham gia giám sát với Đoàn ĐBQH tỉnh. Khi có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh tham gia đã góp phần làm rõ hơn những nội dung do Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát, khảo sát, nhất là xem xét thống nhất phương án giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. 

 Qua giám sát, khảo sát đã cho thấy quyền và trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh, của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thể hiện rõ ở những đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, góp phần bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Nhờ đó, đã góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân trong tỉnh đối với Quốc hội, với Đoàn ĐBQH tỉnh.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh khảo sát xây dựng công trình thủy lợi. Ảnh: VM

Tuy vậy, trong quá trình giám sát và khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Quốc hội trong Đoàn còn gặp những khó khăn. Đó là, báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Quốc hội trong Đoàn không bảo đảm thời hạn quy định nên ảnh hưởng đến chất lượng giám sát; một số báo cáo còn mang tính chất thống kê, phản ánh tình hình, chưa đi sâu phân tích đầy đủ những nguyên nhân hạn chế cũng như làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan đến vấn đề giám sát. Mặt khác, việc sử dụng thông tin từ hoạt động kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và hoạt động nghiên cứu để phục vụ cho yêu cầu thẩm tra, xem xét báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát còn hạn chế.

Việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong 7 năm qua đã giúp các cơ quan giám sát và cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát thấy được trách nhiệm của mình. Từ đó, đã hình thành cơ chế bắt buộc, tạo nên hiệu ứng tích cực trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thì các đại biểu trong Đoàn cần dành nhiều thời gian, công sức cho việc sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia giám sát, khảo sát và góp ý cho Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc xây dựng báo cáo giám sát, khảo sát trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.

Đối với Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội có hướng dẫn hoặc  quy định điều kiện bảo đảm về nhân lực, tài chính, thông tin, phương tiện, cơ sở vật chất… để cá nhân đại biểu Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, khảo sát. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát của đại biểu Quốc hội và kỹ năng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cho đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu, giúp việc; xem xét, trang bị các phương tiện cần thiết để đội ngũ này cung cấp thông tin, hình ảnh kịp thời, đầy đủ phục vụ cho hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đạt hiệu quả và có sức thuyết phục cao nhất.

CTQH  
Tin liên quan:
Icon Cần điều chỉnh nội dung giải thích khái niệm “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình hình thực hiện Dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở trợ giúp xã hội
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát các dự án đầu tư theo Nghị quyết 43 của Quốc hội
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên chất vấn về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Icon Một số kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Icon HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp thứ 5
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh TXCT sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV tại xã Đăk Kan và xã Kon Đào
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh TXCT sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV tại xã Ia Dal và xã Đăk Ruồng
Icon Một số kết quả của kỳ họp thứ 5 và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại kỳ họp
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE