Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 23 đại biểu Quốc hội phát biểu; 04 đại biểu Quốc hội tranh luận tham gia xây dựng luật. Đa số các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực và đề xuất nhiều phương án sửa đổi.
Đại biểu Tô Văn Tám tán thành Tờ trình của Chính phủ và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và có 04 ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Thứ nhất, về độ tuổi công chức viên, dự thảo bổ sung công chứng viên không quá 70 tuổi tại khoản 1 Điều 8. Chúng ta biết dịch vụ công chứng là dịch vụ do Nhà nước ủy nhiệm, đòi hỏi về năng lực, trí lực và yêu cầu cao về nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp hoạt động công chứng. Đồng thời quy định như vậy cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới cho nên đại biểu Tô Văn Tám đồng ý với quy định này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Thứ hai, về thẻ công chứng viên, tại Điều 36 khoản 1 quy định "công chứng viên chỉ được hành nghề công chứng sau khi được Sở Tư pháp cấp thẻ". Ở đây có vấn đề là khi quyết định một công chứng viên thì cần các điều kiện, tiêu chuẩn của công chứng viên và quyết định bổ nhiệm công chứng viên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Khi có quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng thì họ chính thức là công chứng viên, đồng thời có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của một công chứng viên, trong đó có quyền hành nghề. Thẻ công chứng viên chỉ là công cụ để nhận biết và xác thực người đó là công chứng viên;... Quy định như dự thảo vô hình dung được hiểu là thẻ công chứng viên cao hơn quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, vì nếu Sở không cấp thẻ hoặc chưa cấp thẻ thì quyết định Bộ trưởng sẽ chưa có giá trị vì công chứng viên không được hành nghề. Do vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nên bỏ quyết định này.
Thứ ba, về tổ chức hành nghề công chứng, nếu quy định như dự thảo là chỉ một loại hình hợp danh thì quy định như vậy là chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công hiện nay. Quy định này đang hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức cung cấp dịch vụ của văn phòng công chứng, thực chất là hạn chế quyền tự do kinh doanh được hiến định. Như thế là chưa tạo thuận lợi cho hoạt động công chứng trong việc đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các văn phòng công chứng hầu như chưa được tổ chức ở đây. Thực tế cho thấy loại hình hợp danh cũng chưa phải là loại hình tổ chức tối ưu đối với tổ chức hoạt động của văn phòng công chứng. Bởi yếu tố hợp danh vẫn có thể bị phá vỡ khi có công chứng viên hợp danh chết hoặc bị bãi miễn hay bị miễn nhiệm. Bởi vậy, đề nghị cần bổ sung thêm quy định cho phép loại hình văn phòng công chứng một công chứng viên hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tư nhân, như thế để phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công chứng của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;... theo đại biểu Tô Văn Tám, một mô hình phù hợp nhất là một mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Thứ tư, về công chứng bản dịch, tại khoản 1 Điều 22 đã thu hẹp phạm vi công chứng. Theo đại biểu Tô Văn Tám, Tờ trình của Chính phủ vẫn chưa nêu thật rõ cơ sở của việc thu hẹp này. Trong báo cáo tác động chính sách, đề nghị xây dựng luật có nhận định không ít trường hợp người dân muốn công chứng bản dịch để sử dụng trong các giao dịch dân sự, phục vụ học tập,... nhưng tổ chức hành nghề công chứng từ chối vì công chức viên không biết ngoại ngữ. Tổ chức công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch nên không thể cung cấp dịch vụ này. Nhận định này có mấy điểm đáng chú: (1) chúng ta thấy người dân vẫn có nhu cầu công chứng bản dịch, nhu cầu này là chính đáng; (2) lý do không cung cấp được dịch vụ công chứng này là do thuộc về yếu tố chủ quan mà chúng ta có thể khắc phục được bằng việc xây dựng một đội ngũ công chức viên giỏi về nghiệp vụ và thông thạo ngoại ngữ, đồng thời, xây dựng, kết nối đội ngũ cộng tác viên phiên dịch viên để làm việc này.
Hiện nay chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, việc không quy định công chứng bản dịch sẽ ảnh hưởng đến việc yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù có nhiều nước trên thế giới không quy định công chứng bản dịch nhưng ở nước ta có thể được vì nhu cầu của người dân và chính thể chúng ta phục vụ tối đa nhu cầu chính đáng của người dân.... Cho nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc thu hẹp phạm vi không công chứng nội dung bản dịch này.../.