Phát biểu tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi thống nhất chủ trương ban hành, tên gọi và đối tượng thụ hưởng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Về 7 mục tiêu tổng quát của Chương trình, đại biểu Nàng Xô Vi đặc biệt quan tâm Mục tiêu Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ các nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu này. Cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Từ đó, có sự quan tâm ưu tiên về nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, để góp phần tốt nhất cho phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
ĐBQH Nàng Xô Vi phát biểu thảo luận chiều ngày 08-06-2024
Về sự trùng lặp mục tiêu, đối tượng thụ hưởng giữa Chương trình này với các chương trình, dự án khác, theo đại biểu Nàng Xô Vi trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện với Chương trình này. Để xử lý việc trùng lặp, đề nghị Quốc hội thống nhất cho phép chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các Chương trình của Chính phủ liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2026-2030, để thực hiện thống nhất trong Chương trình này.
Về nguồn vốn đối ứng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, theo đại biểu Nàng Xô Vi tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, sẽ rất khó khăn đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hiện nay quy định về vốn đối ứng thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang gây nên áp lực lớn đối với các tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn thu. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đề xuất tỷ lệ phù hợp về vốn đối ứng tại Chương trình này để trình Quốc hội xem xét, quyết định./.