Tại buổi thảo luận này, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với các dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đồng thời có 10 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận Tổ chiều 19-6-2024
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum đã phát biểu tham gia 4 ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về sự cần thiết ban hành luật; Cần bổ sung các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ công tác phòng ngừa, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra; Bổ sung và quy định rõ về chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;...
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự kiến quy định tại Điều 11, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, với mục đích bổ sung đầy đủ các quy định, để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đang diễn ra trong thực tiễn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định “Nghiêm cấm việc người được giao trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, hoặc có hành vi khác tiếp tay, giúp sức cho việc thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình, chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới... không đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy”. Vì thực tế ở nhiều địa phương, đã xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, người được giao thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm (thiếu trách nhiệm), không kiểm tra, ngăn chặn, xử lý sai phạm; thậm chí có trường hợp tiếp tay, giúp sức cho các sai phạm trong thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình và chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới... Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua; trong đó, có những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở một số thành phố lớn mà cử tri và nhân dân đã và đang hết sức quan tâm.
ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luân
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước cũng phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về sự cần thiết ban hành luật; Đẩy mạnh xã hội hóa về phòng cháy, chữa cháy nhằm tăng cường đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy; Cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân (lắp đặt các phương tiện, thiết bị báo động, chữa cháy trong nhà;...); Nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu, khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các cơ quan chức năng để làm tốt hơn công tác cảnh báo kịp thời, chữa cháy hiệu quả, không để đám cháy lan rộng;...
Trước khi phát biểu kết thúc phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đã phát biểu tham gia 4 ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân về Phạm vi điều chỉnh của luật; Cần quy định “Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa và thực hành đánh địch đột nhập, tập kích đường không,...” tại khoản 1, Điều 2; Bổ sung “chủ thể” phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu,... tại khoản 1, Điều 5; Nghiên cứu quy định bổ sung “các loại công sự, các phương tiện khống chế phương tiện không người lái” vào điểm a, khoản 1, Điều 25; Về thẩm quyền ra lệnh tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ tại khoản 2, Điều 31....
Đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư kí ghi âm, ghi chép, phản ánh đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội gửi về Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật./.