Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và có giá trị pháp lý như nhau. Người tham gia bảo hiểm y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí sau đây: khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i, o và r khoản 3 Điều 12 trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 27. Chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.
Các đại biểu tham dự Phiên họp thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Quốc hội đã tiến hành thảo luận về các dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số; Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Tiến hành công tác Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền;...
Tại Phiên thảo luận về các báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024;... đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 4 ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo rà soát và có các chính sách phù hợp để hỗ trợ thỏa đáng về nguồn lực và đầu tư, trang bị phương tiện tiên tiến, hiện đại cho các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển... đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý các loại tội phạm; Thống nhất việc sớm xem xét, ban hành quy định về cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Thống nhất với các nhóm giải pháp đã được xác định trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành phải thực sự chủ động trong việc theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hoạt động lợi dụng không gian mạng chống phá Đảng, Nhà nước.... Đặc biệt, đề nghị Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo và yêu cầu các cấp chính quyền tập trung rà soát và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để giải quyết rốt ráo các vụ tranh chấp, khiếu kiện, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, tôn giáo, dân tộc; không để sơ hở bất lợi để đối tượng xấu có thể lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước… Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Cần đánh giá thêm về vai trò của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để phát huy vai trò của người dân trong công tác này;...
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu tham gia xây dựng luật
Tại Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Về điều kiện thành lập Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội;…
Tại Phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 3 ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật các quy định cụ thể để Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư mạnh và đồng bộ hơn nhằm xây dựng, nâng cao thật sự về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và yêu cầu phát triển của đất nước cả trước mắt và lâu dài; Thí điểm việc hằng năm lựa chọn sinh viên giỏi với số lượng phù hợp để đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến về công nghệ số để về phục vụ đất nước trong những năm tiếp theo và trong tương lai; việc dự kiến áp dụng Luật Công nghiệp công nghệ số;…