Trong đợt TXCT lần này có khoảng 45 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh. Ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh là những vấn đề bức xúc liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công các công trình, dự án và các lĩnh vực như: điện; tài nguyên và môi trường; giao thông; thủy lợi; giáo dục… và chế độ chính sách.
Về việc bồi thường, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, xác định lại cụ thể từng loại đất theo Quyết định số 457/2018/QĐ-UBND ngày 09/5/2019 phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thực hiện công trình: Trạm biến áp 110KW Bờ y và đấu nối trên địa bản huyện Đăk Tô; về cây cối, hoa màu theo Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 về việc ban hành bảng các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2019 theo hướng nâng mức áp giá đền bù sát với giá cả thị trường đối với đất đai và một số cây cối, hoa màu có giá trị của người dân như: cao su, cà phê, mít, cam, ổi, chanh…,vì theo bảng giá đền bù (đất, cây cối, hoa màu) của tỉnh hiện nay rất thấp, không sát với giá cả thị trường nên khi được nhà nước đền bù thiệt hại, người dân rất thiệt thòi; hỗ trợ các hộ dân có công trình, nhà ở bị ảnh hưởng do quá trình thi công làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; bồi thường, hỗ trợ tái định canh cho 08 hộ dân ở thôn Bê Rê và 11 hộ ở thôn Kon Năng (xã Đăk Choong, Đăk Glei) bị ảnh hưởng đất nông nghiệp tại khu tái định cư. Khi thu hồi đất để thực hiện dự án thì phải bồi thường thỏa đáng, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí việc làm,…cho các hộ dân có đất bị thu hồi nhằm giúp cho họ có việc làm, ổn định đời sống.
Cử tri ở nhiều địa phương bức xúc đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Điện lực tỉnh Kon Tum trả lời, thông tin rõ cho người dân biết nguyên nhân tại sao trong thời gian qua giá điện tăng, giá thu tiền sử dụng điện hằng tháng bao giờ tháng sau cũng cao hơn tháng trước. Qua đó, cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng liên quan xem xét, đầu tư kéo điện lưới quốc gia cho 11 nhóm hộ, khu dân cư sống rải rác ở các xã, các thôn thuộc huyện Kon Plông; đầu tư hệ thống điện cho khoảng 86 hộ dân ở xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai chưa có điện lưới sinh hoạt.
Về tài nguyên và môi trường, cử tri đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng để có cơ sở cho các ngành xác định cụ thể, bàn giao cho địa phương bố trí đất sản xuất cho nhân dân; sớm bố trí kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy đã được UBND tỉnh phê duyệt dự toán tại Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 để cho các ngành chuyên môn cấp tỉnh phối hợp UBND huyện đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho nhân dân nhằm tránh tình trạng tranh chấp đất đai như hiện nay ở huyện Kon Plông; chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, làm rõ và thu hồi toàn bộ diện tích đất sản xuất chưa thực hiện liên kết trồng cao su còn lại của Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp để giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân nguyên là hội viên Thanh niên xung phong; xem xét lại hệ số điều chỉnh giá đất nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp và hộ nghèo làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xem xét dành quỹ đất để đầu tư xây dựng công viên phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân; có biện pháp khắc phục ô nhiễm bùn đất do xây dựng 05 dự án thủy điện với khoảng cách chưa tới 15 km trên sông Đăk Pờ Xi (đoạn qua địa bàn huyện Đăk Hà và xã Diên Bình của huyện Đăk Tô);
Về giao thông, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét lại quy hoạch Dự án đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) để tránh phá vỡ cấu trúc cộng đồng làng Kon Hra Chót; nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đoạn đường từ xã Đăk Môn vào xã Đăk Lon; sửa chữa lại đoạn đường từ thôn 7 đi thôn 10, xã Đăk Pxi do quá trình thi công Công ty thủy điện Đức Nhân làm tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng; mở rộng khúc cua trên Tỉnh lộ 676 (đoạn trước cổng trường THCS bán trú Măng Cành) vì cua gấp, khuất tầm nhìn, rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại; sửa chữa Tỉnh lộ 676 (đoạn từ ngã ba đi Măng Bút, Đăk Ring đến trung tâm xã Đăk Ring) đã xuống cấp, hư hỏng nặng; có biện pháp khắc phục để hạn chế tai nạn giao thông tại vòng xuyến ngã ở ngã 5 Duy Tân đi xã Đăk Cấm; phát quang và làm đường lánh nạn trên đèo Văn Loan (Tỉnh lộ 678); sửa chữa đoạn đường từ xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi đến xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, vì đã hư hỏng nặng; làm cầu bê tông kiên cố qua suối Đăk Na để nhân dân vận chuyển hàng hóa được thuận lợi; lắp lan can phía taluy âm đoạn đường đèo đổ xuống đầu thôn Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao, vì đoạn đường đèo này có độ dốc lớn, cua gấp nguy hiểm cho các phương tiện đi qua và những hộ dân ở hai bên đường...và có văn bản đề nghị Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường tránh số 1 Dự án thủy điện Đăk Đrinh để thuận tiện, an toàn cho nhân dân đi lại.
Về thủy lợi, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra, sửa chữa tuyến kênh thuỷ lợi N1 ở xã Đăk Ngọc (huyện Đăk Hà) đã bị xuống cấp; sửa chữa, khắc phục trục chính mương nước thủy lợi đoạn từ thôn Ngọc Hải (đập Đăk HNiêng) chảy qua thôn Ngọc Tiền (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) và kênh mương thuộc thủy lợi Đăk Sia 2 (xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy) đã bị hư hỏng nặng.
Về giáo dục, cử tri kiến nghị UBND tỉnh sửa chữa nhà ở bán trú của học sinh Trường phổ thông dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy, vì đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ trong thời gian tới, nếu không khắc phục, sửa chữa kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng giáo viên, học sinh của trường.
Về chế độ chính sách, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và các hội để các Hội đặc thù xã, phường để hoạt động hiệu quả hơn.
Đây là những vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khóa XI để UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.