Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Từ hai năm nay, giá các mặt hàng cây công nghiệp trên thế giới như cà phê, hồ tiêu, cao su,… đều giảm mạnh do nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới không tăng. Yếu tố khách quan này dẫn đến việc giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, cao su suy giảm, tác động trực tiếp đến giá thu mua trong nước.
Để giảm thiểu rủi ro về giá, ổn định cung cầu thị trường và hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chỉ đạo các địa phương hướng dẫn tổ chức sản xuất theo tín hiệu và nhu cầu thị trường; đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản thị trường trong xuất khẩu mặt hàng nông sản; thường xuyên phối hợp với Bộ Công thương đánh giá cung cầu thị trường các mặt hàng thiết yếu, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hàng tháng Bộ cung cấp thông tin dự báo cho Tổ Điều hành thị trường trong nước, cập nhật thông tin khuyến cáo về sản xuất và thị trường tại ấn phẩm Thông tin thị trường nông sản tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng trên cả nước.
Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp từ tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, cụ thể:
Về tổ chức sản xuất:
- Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bộ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm: (1) Sản phẩm chủ lực quốc gia, (2) Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, (3) Sản phẩm là đặc sản của địa phương (theo mô hình mỗi xã một sản phẩm). Theo đó, một số mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, cao su,… đã được đưa vào nhóm sản phẩm cấp quốc gia và cấp tỉnh.
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất (VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn sản phẩm) để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
Về phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế:
- Tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung xây dựng liên kết 6 nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối”.
- Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; nghiên cứu, dự báo cung cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương, nhằm bảo hộ và đăng ký thương hiệu nông sản Việt Nam./.