VẤN ĐỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
25-9-2019
Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết dân tộc, đó là tài sản vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam, ngày nay và thế hệ mai sau. Trước Bác đã có những phong trào yêu nước, những cuộc nổi dậy nhằm đánh đuổi thực dân phong kiến giành độc lập dân tộc nhưng đều thất bại vì như Người đã nhận định “Việc lớn không thành, vì thiếu sự đồng tâm”, ngay từ đó cho suốt cuộc đời cách mạng sôi nổi của mình, vấn đề hiệp lực đồng tâm luôn được Người đặc biệt quan tâm. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta, Người đã vạch ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng đã tìm thấy phương sách có hiệu quả để đoàn kết toàn dân tộc, đó là: thống nhất rộng rãi bao gồm tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, không phân nam nữ, già trẻ, giàu nghèo... cùng thống nhất ý chí và hành động chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính để đánh đổ chúng, giành độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc và xây dựng lại đất nước. Trong tình hình đất nước nguy nan, bởi thù trong giặc ngoài, cũng như trong chiến tranh gian khổ, Người đã phân tích hết sức triết học nhưng cũng hết sức dễ hiểu rằng: Chúng ta nhất định thắng vì chúng ta đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí, kiên quyết kháng chiến, và để đi đến thắng lợi cuối cùng chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tiếp tục và tăng cường những công việc mà chúng ta đang làm là toàn dân đã đoàn kết, phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đoàn kết giữa nhân dân ta với bầu bạn thế giới… như vậy Người coi đoàn kết là sức mạnh để đi đến kháng chiến kiến quốc thắng lợi, sự đoàn kết trong tư tường của Người được quan niệm là một quá trình không ngừng vận động, lớn mãi thành đại đoàn kết, và đem lại kết quả là đại thành công, tư tưởng đại đoàn kết đó đi vào thực tiễn cách mạng không chỉ là một khẩu hiệu, một phương ngôn, một nguyên tắc mà là một chân lý hiển nhiên, đại đoàn kết thực sự trên thực tế cả bề rộng lẫn bề sâu, mà chính Người là hạt nhân của đại đoàn kết, là biểu hiện của đại đoàn kết.
Đại đoàn kết trong tư tưởng của Người không phải là mơ hồ chung chung, mà đại đoàn kết là tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp, huy động mọi khả năng có thể huy động, tranh thủ mọi thuận lợi có thể tranh thủ, đại đoàn kết là đa dạng mà thống nhất, đoàn kết rất rộng, rất sâu, rất đông, nhưng có phương hướng chung, rõ ràng đó là phụng sự Tổ Quốc, và có trung tâm, nòng cốt vững chắc, nòng cốt, trung tâm đó là Đảng tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Với vai trò là trung tâm nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc, Người hết sức coi trọng vấn đề xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, Bác luôn đấu tranh không khoan nhượng, và nghiêm khắc đối với bất kỳ biểu hiện nào của sự chia rẽ, bè phái, phường hội, Người còn sớm chỉ ra những căn bệnh làm mất đoàn kết trong Đảng, mà Đảng phải thường xuyên đấu tranh khắc phục đó là: Bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần và trong tác phẩm sửa đối lối làm việc Người đã chỉ rõ cách chữa các căn bệnh này, trong đó quan trọng nhất là: “Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức là những việc cần kíp của Đảng”. Ngày ra đi Bác để lại cho chúng ta lời căn dặn sâu sắc và tha thiết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, các đồng chí từ trung ương đến chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, sức mạnh của đảng là ở sự đoàn kết nhất trí, Đảng mạnh thì mới đảm bảo giữ gìn và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, bởi Đảng không có một lợi ích nào khác ngoài việc phục vụ lợi ích Tổ Quốc, lợi ích dân tộc, như lời Người đã nói: “Mục đích của Đảng lao động Việt Nam có thể gồm tám chữ đoàn kết toàn dân phụng sự Tổ Quốc”. Bởi vậy việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong đảng luôn là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng chỉnh đốn đảng trong sạch vững mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước những yêu cầu mới của thực tiễn, ngoài những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thì sự nêu gương của Đảng viên cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng, và là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, cũng là một phẩm chất quan trọng của người cán bộ đảng viên, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hết sức đúng đắn khi ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, quy định được thiết kế chặt chẽ đầy đủ cả nội dung xây và chống, với phương châm kết hợp chặt chẽ giữa xây với chống, và xây trước, chống sau… Đây là bước cụ thể hóa, thực hiện tác phẩm sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn vào lịch sử nước nhà thì khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng và Bác luôn luôn là khối thống nhất dân tộc sâu rộng chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đã tạo nên những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc trên bước đường cách mạng Việt Nam từ khi có đảng, qua mỗi thử thách nghiêm trọng của lịch sử, khối đại đoàn kết lại càng được củng cố và mở rộng, khối đại đoàn kết dân tộc ta thể hiện đậm nét lòng nhân ái, cao cả và thiên tài chính trị và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi người chúng ta hôm nay và mai sau không ai có thể quên hình ảnh Bác Hồ cầm gậy chỉ huy trong vai người nhạc trưởng, cầm nhịp bài hát kết đoàn cho giàn dao hưởng Việt Nam, và đó cũng chính là cầm nhịp cho cả dân tộc hát bài “kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, để chiến thắng mọi gian lao, mọi khó khăn, trong quá trình xây dựng đất nước giàu mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù, mọi thế lực thù địch đang rập rình ngoài biển khơi hay bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam ta./.