Theo đại biểu Phạm Đình Thanh về hành vi bạo lực gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ “hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi”, đại biểu cho rằng để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và Gia đình, không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn; trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định tại khoản 1 Điều 3 để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.
Về vấn đề trợ giúp pháp lý, điểm d khoản 1 Điều 9 quy định: “Người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật”, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng quy định như vậy chưa rõ ràng, tường minh, không thống nhất với Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đại biểu cần quy định: “Người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, dịch vụ trợ giúp xã hội và trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý”; Quy định như vậy cũng phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 30 của dự thảo Luật: “Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”./.