Tham dự phiên chất vấn tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà...
Tham gia chủ trì và điều hành phiên họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn công tác tại địa phương; lãnh đạo HĐND tỉnh và UBND tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và các sở: Tài chính, Tư pháp, Y tế; đại diện lãnh đạo Thanh tra tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
chất vấn thứ 4 được tổ chức tại Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua, việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên họp này.
Theo đó, trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các vị đại biểu Quốc hội đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về nhóm các vấn đề: Một là, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Hai là, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ba là, thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Theo chương trình của phiên họp, trách nhiệm trả lời chính và tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong buổi sáng nay, có 28 câu hỏi chất vấn trực tiếp của đại biểu với 43 vấn đề đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia trả lời chất vấn buổi sáng hôm nay.
Đồng thời có 05 câu hỏi tranh luận của đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Tô Văn Tám thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum bày tỏ quan tâm tới nội dung về nợ, chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Tám đặt vấn đề, việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến chậm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống như vậy sẽ ảnh hưởng gì tới quyền lợi của cá nhân, tổ chức không? Nếu ảnh hưởng thì có lượng hóa được không? Nếu lượng hóa được thì xử lý như thế nào?
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tranh luận
Đối với việc lượng hóa việc chậm ban hành văn bản mà đại biểu Tô Văn Tám quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng có thể lượng hóa được hậu quả, thất thoát về tài sản, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người dân trong việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ, các bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã ý thức rõ về vấn đề này. Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng cho rằng, có những giải pháp tổng thể, cũng có những giải pháp cụ thể, từ ban hành văn bản đến thiết kế luật sao cho khả thi, phù hợp, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, thời hạn ban hành cho cùng có hiệu lực với luật.
Hiện nay, khi Đảng đang thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tham mưu, xây dựng, ban hành thể chế, Bộ trưởng hy vọng sẽ có những quy định được thiết kế hợp lý, không làm chùn tay, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Bộ trưởng hy vọng đây sẽ là công cụ hiệu quả, hiệu lực để giải quyết vấn đề này.
Chiều nay, phiên chất vấn sẽ tiến hành chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và nghe Chủ tịch Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.