Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 10 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật. Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới;...
Đại biểu Tô Văn Tám tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ. Nội dung sửa đổi, bổ sung gồm 12 vấn đề mà lý luận và thực tiễn đặt ra cần được bổ sung và hoàn thiện; có những nội dung đã được xác định trong các quan điểm kết luận của Bộ Chính trị; có những nội dung do yêu cầu quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới; có những nội dung mà lực lượng cảnh vệ đã và đang thực hiện có hiệu quả và cần được luật hóa những nội dung này; có những nội dung do yêu cầu xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; v.v. Việc xác định được mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi như vậy là rất chính xác.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, dự thảo mở rộng đối tượng cảnh vệ là con người, bao gồm Thường trực Ban Bí thư và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Những đối tượng này bổ sung rất cần thiết, bởi vì Thường trực Ban Bí thư là người điều hành công việc hằng ngày của Ban Bí thư, là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu cơ quan Tư pháp, thực hiện quyền Tư pháp, thực hiện quyền Công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp;...
Công tác cảnh vệ rất nhiều yếu tố bất ngờ khó lường trước; mặt khác công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh đối ngoại là yêu cầu phát sinh của thực tiễn. Bởi vậy việc bổ sung thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cần thiết ở khoản 6, Điều 10 là phù hợp;...
Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường
Tại khoản 10, Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 16 như sau "lực lượng cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, theo đó có Bộ Tư lệnh cảnh vệ trực thuộc Bộ Công an và Cục Bảo vệ an ninh quân đội thuộc Bộ Quốc phòng”. Quy định cụ thể như vậy là đảm bảo chặt chẽ, không làm phát sinh tổ chức bộ máy; Tuy nhiên, trong quá trình phát triển có thể do yêu cầu công tác cảnh vệ, yêu cầu về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại hay là yêu cầu của hội nhập quốc tế mà đòi hỏi phải đặt ra yêu cầu nâng cấp các đơn vị này lên hoặc thay đổi về tên gọi của lực lượng này cho phù hợp, trong trường hợp như vậy thì chúng ta lại phải sửa điều luật này. Do vậy để chủ động, linh hoạt khi xảy ra tình huống trên thì chỉ nên quy định theo hướng lực lượng cảnh vệ được tổ chức ở Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, còn tổ chức đó cụ thể là gì, như thế nào thì giao cho Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định sau khi được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Theo đại biểu Tô Văn Tám việc quy định như vậy thì không phải sửa luật nếu có yêu cầu thực tiễn xảy ra, lúc đó 2 Bộ trưởng chỉ cần trình đề án và xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tổ chức lại lực lượng này./.