Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, nội dung Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Chính phủ trình Quốc hội đã đảm bảo thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; đồng thời, cũng rất phù hợp và kịp thời trước thực trạng diễn biến tình hình cháy nổ, sự cố tai nạn xảy ra ngày càng nhiều với hậu quả rất nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian qua. Do đó, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Về các chính sách dự kiến quy định tại Dự án luật, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hơn để trình Quốc hội xem xét đối với các vấn đề: Thứ nhất, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra... Thì ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định thiết kế; nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy cần bổ sung vào Dự án Luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nước; kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ công tác phòng ngừa, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, góp phần ổn định về an ninh trật tự và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều ngày 27-6-2024
Thứ hai, về lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để kịp thời cứu người bị nạn, cứu tài sản, dập tắt đám cháy khi có tình huống xảy ra. Yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy là phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải thể hiện rõ hành động dũng cảm, quyết đoán trong điều kiện, môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm, rủi ro rất cao. Và, với mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, tài sản nhà nước. Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị bổ sung, và quy định rõ trong Dự án Luật các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản, dập tắt đám cháy (Kể cả việc trang bị phương tiện là Máy bay để phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ). Theo báo cáo của Bộ Công an: Phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCCC và CNCH được trang bị hiện nay còn thiếu, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ đặt ra trong thực tế. Về vấn đề này, Nhà nước cần phải có ngay các chính sách phù hợp để giải quyết, xử lý trong thời gian sớm nhất.
Thứ ba, với mục đích bổ sung đầy đủ các quy định, để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đang diễn ra trong thực tiễn. Đề nghị, nghiên cứu bổ sung vào Điều 11 (Quy định các hành vi bị nghiêm cấm) nội dung: Nghiêm cấm việc người được giao trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, hoặc có hành vi khác tiếp tay, giúp sức cho việc thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình, chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới... không đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Vì, thực tế ở nhiều địa phương, đã xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, người được giao trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm (thiếu trách nhiệm), không kiểm tra, ngăn chặn, xử lý sai phạm; thậm chí có trường hợp tiếp tay, giúp sức cho các sai phạm trong thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình và chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới... Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua; trong đó có những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở một số thành phố lớn mà cử tri và nhân dân đang hết sức quan tâm và lo lắng.
Thứ tư, tại Điều 42 của dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành. Khoản 3 dự kiến quy định: Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh nội dung này cần bổ sung và sửa lại là: Chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở các cơ sở, địa bàn khác khi có yêu cầu. Vì tại cơ sở, địa bàn quản lý thì lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành phải chủ động thực hiện ngay việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống, sự cố xảy ra (không đợi đến khi có yêu cầu mới thực hiện). Và các lực lượng này phải tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, địa bàn khác khi có yêu cầu huy động của cơ quan chức năng, và người có thẩm quyền./.