banner
Thứ 3, ngày 26/11/2024
Một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong năm 2017 và chương trình hoạt động năm 2018
27-12-2017
Thực hiện Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, trong năm 2017 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tập trung thực hiện những hoạt động trọng tâm sau
Một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong năm 2017 và chương trình hoạt động năm 2018
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-TBXH

* Về công tác giám sát, khảo sát: Đoàn đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tiến hành 2 đợt khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở 1 xã và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Đăk Tô; Khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn từ ngày 01/01/2014 đến ngày 30/6/2017, giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu Quốc hội là thành viên của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tham gia các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại một số tỉnh khác (Đăk Nông, Đăk Lắc, Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An,...) theo kế hoạch của Đoàn giám sát.

Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 và thứ 13 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội. Đề xuất nội dung Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát trong năm 2018. Đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dân tộc thiểu số; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người tàn tật. Chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc triển khai thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chất vấn trực tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Ngân hàng nhà nước; về các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục thế chấp tài sản trong quá trình vay vốn của người dân và doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Chất vấn trực tiếp Chánh án Toà án nhân dân tối cao về nguyên nhân của vấn đề và các giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng án bị hủy do nguyên nhân chủ quan của đội ngũ công chức, thẩm phán của ngành tòa án; tình hình thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua, các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới. Chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khắc phục sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, Tây nguyên; các giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân. Chất vấn bằng văn bản Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định canh, định cư các công trình thủy điện.

Hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong năm 2017 đã đạt được kết quả theo chương trình, kế hoạch đề ra, có tác dụng thực sự, chỉ rõ các mặt ưu điểm, đồng thời kiến nghị khắc phục những khuyết điểm, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh về pháp luật, cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành công việc của địa phương, của ngành. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững vấn đề, thực hiện giám sát, khảo sát có hiệu quả, từ đó có điều kiện thực hiện tốt hơn quyền chất vấn và giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội.

ĐBQH Rơ Châm Long phát biểu ý kiến về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

* Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng: Trước kỳ họp thứ 3 và thứ 4, theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, nhân dân trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 28 dự án luật (Luật Cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật quản lý ngoại thương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật thủy lợi; Luật bồi thường Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật du lịch (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt). Tổ chức hội nghị lấy ý kiến 5 dự án Luật (Luật cảnh vệ và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng). Tổ chức tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn về một số đạo luật có tính chuyên ngành cao.

Tại các kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia 36 lượt phát biểu với 114 ý kiến (22 lượt phát biểu tại Tổ, 14 lượt phát biểu tại Hội trường) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành;... Tham gia ý kiến các Dự án luật (Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật tố cáo (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Quốc phòng (sửa đổi)).

Các đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến, thẩm tra các dự án luật, nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc và Uỷ ban.

 

* Về công tác tiếp xúc cử tri: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 3, thứ 4 tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố; Tiếp xúc với cử tri là cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (Thuộc Sư đoàn 10, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh tại Sư đoàn 10; Thuộc Trung đoàn 24 của Sư đoàn 10 và Trung đoàn bộ binh 990 của BCHQS tỉnh Kon Tum tại Trung đoàn 24) để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình và kết quả của kỳ họp thứ 3, thứ 4 - Quốc hội khoá XIV; Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội thông qua, cho ý kiến; động viên cử tri chấp hành pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội; thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh; nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và kiến nghị của cử tri với Trung ương, với tỉnh.

Tại các buổi tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời. Đối với những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp, phản ánh lên Quốc hội và UBND tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật. Đi cơ sở nắm tình hình, tìm hiểu ý nguyện của cử tri để tổng hợp chung.

* Công tác tiếp công dân: Trong năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 13 buổi tiếp công dân (trong đó tiếp định kỳ hàng tháng 10 buổi, tiếp đột xuất 03 buổi/03 lượt công dân theo yêu cầu của công dân); Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp 08 buổi/43 lượt công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

* Tình hình tiếp nhận và xử lý đơn, thư của công dân: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 78 đơn, thư các loại của công dân trong và ngoài tỉnh (trong đó có 12 đơn khiếu nại, 24 đơn tố cáo và 42 đơn kiến nghị, phản ánh, thỉnh cầu), qua xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hướng dẫn, trả lời công dân 04 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết 16 đơn; chuyển Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nơi công dân gửi đơn cư trú 2 đơn; lưu 56 đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn thư được gửi nhiều lần nội dung trùng lắp, đã có quyết định giải quyết cuối cùng; đơn gửi  nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan có thẩm quyền, có Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nơi công dân cư trú; đơn không gửi Đoàn, không đề nghị Đoàn và đơn nặc danh, không có nội dung rõ ràng, không có thông tin người gửi để liên hệ, xác minh).

Đến nay 09/16 đơn do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và trả lời.

* Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính quyền ở địa phương: Đoàn đã luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Văn phòng Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh theo luật định. Tham gia, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH, ANQP, các hoạt động xã hội của tỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tham dự các kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI.

* Các hoạt động khác: Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Quốc hội. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 759/2014/NQ-UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... Giữ mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh bạn.

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội luôn giữ gìn, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nghiên cứu để nâng cao năng lực mọi mặt, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, tham gia đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Tham gia thảo luận, chất vấn và quyết định các dự án luật, các vấn đề quan trọng của đất nước có trách nhiệm và chất lượng. Giữ mối liên hệ với cử tri, lắng nghe, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

Hồ Nam VPĐĐBQH tổng hợp  
Tin liên quan:
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV
Icon Một số kết quả kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Icon HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV
Icon Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Icon Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017
Icon Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016
Icon Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE