banner
Thứ 4, ngày 16/10/2024
VẤN ĐỀ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
19-12-2019
Bộ luật lao động sửa đổi bổ sung vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm, theo đó trong điều kiện bình thường, từ ngày 01/01/2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng, và cứ mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đạt 62 tuổi và nữ đạt 60 tuổi, như thế đến năm 2028 sẽ có những lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2035 sẽ có những lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Đồng thời luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện của nước ta, do môi trường làm việc được cải thiện, đời sống đang được cải thiện, tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới, tuổi thọ bình quân của nữ giới là 81,2 và nam giới là 72,3 tuổi, đồng thời nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 28 của BCHTW Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Việc tăng tuổi theo lộ trình như vậy đã tính toán cụ thể và đánh giá tác động cả về kinh tế và xã hội, và đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Việc tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình như thế để vừa giảm sốc trên thị trường lao động vừa tránh hạn chế chỗ việc làm cho lao động trẻ bước vào tuổi lao động, vừa phù hợp với từng ngành nghề. Trên cơ sở đó Bộ lao động thương binh và xã hội sẽ ban hành danh mục những ngành nghề, công việc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm làm cơ sở để xác định những trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt khác. Quy định như vậy nhằm tận dụng được nguồn nhân lực có sức khỏe, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có nhu cầu và được cơ quan sử dụng lao động mong muốn ở lại để làm việc đóng góp kiến thức kinh nghiệm.
VẤN ĐỀ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

Việc sửa đổi bổ sung này đã quán triệt trên tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương Đảng, công ước của ILO mà Việt Nam đã tham gia với tư cách là thành viên của tổ chức lao động quốc tế, đồng thời qua thực tiễn tuổi nghỉ hưu, căn cứ ý kiến tham vấn của người sử dụng lao động, đại diện giới chủ, các tổ chức, cá nhân và người dân về cơ bản thống nhất nên quy định tuổi nghỉ hưu có tính nguyên tắc ở tuổi tối đa cho lao động nam và lao động nữ vì đó là đảm bảo quyền làm việc theo Hiến pháp, tiến tới bình đẳng giới, tôn trọng thực tiễn văn hóa dân tộc, căn cứ vào điều kiện lao động, tăng trưởng kinh tế, xu hướng già hóa dân số, quan hệ cung cầu lao động và thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Đây cũng là một quyết sách lớn thể hiện tầm nhìn có tính chiến lược, nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số, đồng thời giải quyết mục tiêu bao trùm vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội, giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là cần thiết và tối đa đối với nam là 62, nữ là 60 đã được Quốc hội thông qua nhưng cần làm rõ vấn đề sau: Quyền nghỉ hưu sớm không quá 5 năm tuổi và quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi có liên quan đến tiền lương hưu của người lao động như thế nào nếu còn tính mức lương được hưởng tối đa là 75% mức lương bình quân của quá trình trong khu vực ngoài nhà nước và bình quân 10 năm tuổi cuối cùng trong khu vực nhà nước, đây là vấn đề đang được quan tâm vì chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa 2 khu vực. Đồng thời phải thực hiện ngay nguyên tắc đóng hưởng cho tất cả người lao động bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi Bộ luật lao động có hiệu lực thi hành và quỹ hưu trí của người lao động được hạch toán theo tài khoản cá nhân./.

 

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon VẤN ĐỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Icon CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM KIỂU MỚI
Icon NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ
Icon VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ TRONG ĐẢNG
Icon TÁM MƯƠI CHÍN MÙA XUÂN CỦA ĐẢNG
Icon HỌC TẬP PHONG CÁCH TƯ DUY: TỰ CHỈ TRÍCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.
Icon PHONG CÁCH TÁC PHONG CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Icon DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Icon Quan điểm của Đảng ta về quyền con người
Icon TÀI LIỆU ĐÍNH CHÍNH, BỔ SUNG, CHỈNH SỬA SÁCH "LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH, TẬP 1 (1930-1975)"
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE