banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
VỀ VẤN ĐỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
25-2-2020
Dự thảo đã bổ sung sửa đổi quy định: Đối tượng áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, và đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với vi phạm lần thứ 3… (sửa đổi bổ sung điều 90, điều 91 và điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính), vấn đề ở đây là bản chất của biện pháp xử lý vi phạm hành chính, là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy cần quy định trong dự thảo luật là: phạt tiền và giáo dục hành vi đối với người sử dụng trái phép chất ma túy nhưng chưa bị nghiện; giáo dục hành vi và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ma túy; giáo dục hành vi được thực hiện thông qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
VỀ VẤN ĐỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Ảnh minh họa

Đối với việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm (khoản 1, 2 điều 90 và khoản 1, 2, 3 điều 92 của Luật xử lý vi phạm hành chính) dự thảo luật sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 92 và không sửa đổi các nội dung quy định tại khoản 1, 2 điều 90 và khoản 1, 3 điều 92 của Luật xử lý vi phạm hành chính, vấn đề này cần nghiên cứu kỹ hơn để đồng bộ với Bộ luật hình sự. Chúng ta biết rằng chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã có nhiều thay đổi, theo đó người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên dự thảo luật chưa có sửa đổi tương ứng về chính sách hành chính đối với người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm dẫn đến sự mất công bằng, và có sự mâu thuẫn, thiếu đồng bộ với Bộ luật hình sự. Chẳng hạn như quy định tại khoản 2 điều 92 là mâu thuẫn với Bộ luật hình sự, vì người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng quy định điều 28 được nêu tại khoản 2 điều 12 của Bộ luật hình sự, phải chịu trách nhiệm hình sự, mà không bị đưa vào trường giáo dưỡng như quy định của dự thảo luật. Dự thảo luật không quy định trách nhiệm hành chính, đối với người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tối phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ngoài 28 tội danh nêu trên dẫn đến trường hợp này vừa không phải chịu trách nghiệm hình sự, vừa không phải chịu trách nhiệm hành chính là thiếu công bằng so với quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng, do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự, và quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự. Bởi vậy đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính về đối tượng này, để đảm bảo tính công bằng, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đồng bộ với Bộ luật hình sự.

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính nhiều lần, một số quy định trong dự thảo luật như quy định: người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong thời hạn 6 tháng 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau đây: trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng và có một trong các quyết định về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự là mâu thuẫn với Bộ luật hình sự. Bởi lẽ tình tiết đã xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm là dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản, tội đánh bạc, tội gây rối trật tự công cộng trong Bộ luật hình sự, nên trường hợp này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tương tự như vậy, quy định tại điểm a điểm b khoản 4 điều 90 cũng mâu thuẫn với Bộ luật hình sự. Một số quy định mới bổ sung như quy định tại điểm a khoản 4 điều 90 có sự trùng lặp với điểm 4 điều 90, cần nghiên cứu rà soát lại để đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình sửa đổi bổ sung.

 Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo đã bổ sung đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc không có nơi cư trú ổn định, và sửa đổi quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đủ từ 18 tuổi trở lên theo hướng bỏ điều kiện đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc không có nơi cư trú ổn định,, bổ sung đối tượng nguời nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần, vấn đề này cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy vì không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon VỀ VẤN ĐỀ MỨC PHẠT TIỀN TỐI ĐA TRONG CÁC LĨNH VỰC TRONG DỰ LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VẤN ĐỀ BẢO VỆ HIẾN PHÁP VÀ VIỆC BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở NƯỚC TA
Icon VẤN ĐỀ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Icon VẤN ĐỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Icon CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM KIỂU MỚI
Icon NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ
Icon VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ TRONG ĐẢNG
Icon TÁM MƯƠI CHÍN MÙA XUÂN CỦA ĐẢNG
Icon HỌC TẬP PHONG CÁCH TƯ DUY: TỰ CHỈ TRÍCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.
Icon PHONG CÁCH TÁC PHONG CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE