banner
Thứ 4, ngày 4/12/2024
VẤN ĐỀ BẢO VỆ HIẾN PHÁP VÀ VIỆC BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở NƯỚC TA
4-2-2020
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, là nền tảng chính trị pháp lý cho một chính thể, một quốc gia, bởi vậy yêu cầu bảo đảm tính tối thượng của hiến pháp trong điều chỉnh các quan hệ xã hội luôn là vấn đề đặt ra và quan tâm hàng đầu của các nước nói chung và của nước ta nói riêng, xuất phát từ yêu cầu đó, cơ chế bảo hiến đã và đang được các nước xây dựng và thực thi. Bảo hiến được hiểu là sự giám sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, bảo đảm các quyền hiến định, mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Theo đó nó bao gồm toàn bộ các thiết chế, nguyên tắc và các biện pháp tổ chức và thực hiện các hoạt động giải thích hiến pháp, kiểm tra và giám sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, và các cá nhân có thẩm quyền.
VẤN ĐỀ  BẢO VỆ HIẾN PHÁP VÀ VIỆC BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở NƯỚC TA

Tư tưởng về giám sát Hiến pháp xuất hiện khá sớm váo đầu thế kỷ XVII, và được hiện thực hoá trên thực tế khá phong phú và đa dạng, với nhiều hình thức, cách thức thực hiện khác nhau, nhưng tựu trung lại có 3 loại hình và cách thức cơ bản đó là: Thứ nhất, giám sát bảo hiến phi tập trung, theo đó thẩm quyền giám sát Hiến pháp được giao cho các toà án có thẩm quyền chung thực hiện, bất cứ toà án tư pháp nào cũng có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật được Quốc hội thông qua, khi đạo luật đó được áp dụng để giải quyết vụ việc cụ thể tại toà án, nghĩa là việc khởi kiện tại toà án là tiền đề để cơ quan này xem xét tính hợp hiến của đạo luật, trong trường hợp có đủ căn cứ cho rằng quy định của đạo luật đó là không phù hợp, thì toà án sẽ tuyên luật đó là vi hiến, quyết định của toà án có hiệu lực bắt buộc đối với các bên trong vụ kiện. Tuy nhiên toà án chỉ có quyền tuyên bố đạo luật đã được Quốc hội thông qua là vi hiến, mà không có quyền huỷ bỏ hoặc tuyên bố đạo luật đó vô hiệu, như vậy đạo luật đó vẫn còn hiệu lực nhưng sẽ không đươc toà án áp dụng để giải quyết các vụ việc cụ thể tại toà án. Thứ hai, là giám sát Hiến pháp tập trung, đó là giao quyền giám sát Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp cho một cơ quan chuyên biệt. Đó là Toà án hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến, cơ quan này tồn tại độc lập, với chức năng chính là giám sát Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp, nó có quyền tuyên bố một đạo luật đang được soạn thảo chưa thông qua, hoặc chưa công bố hay đã công bố và có hiệu lực là vi hiến, và quyết định đó là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc chung. Thứ ba, là cơ quan lập hiến đồng thời là cơ quan bảo hiến, theo đó sẽ không thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách mà giao quyền này cho một số cơ quan nhà nước như Quốc hội, hoặc các cơ quan riêng biệt của Quốc hội.

Ở nước ta hoạt động bảo hiến đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm coi trọng, các tư tưởng và nguyên tắc bảo hiến được ghi nhận trong các bản hiến pháp của nước ta, trên cơ sở đó được cụ thể hoá trong những đạo luật khác nhau, như Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vv… Theo đó hoạt động giám sát và bảo vệ Hiến pháp về cơ bản gồm việc giám sát của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong việc thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giải thích hiến pháp, giám sát khiếu tố vv…trách nhiệm này được trao cho nhiều cơ quan khác nhau, như cơ quan quyền lực nhà nước, Chủ tịch nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp, trong đó Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước, bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực, các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp. Hiến pháp 2013 quy định rõ tại khoản 2 điều 119 “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ hiến pháp. Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”. Như vậy không chỉ các cơ quan nhà nước mà toàn thể nhân dân đều có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, nhân dân với tính cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, sẽ thực hiện trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, thông qua quá trình phản ánh ý chí của mình trong Hiến pháp và trong các đạo luật, thông qua quá trình giám sát toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, thông qua quá trình thực hiện quyền dân chủ của mình với hai hình thức, là dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp vv.. Với cơ chế và cách thức bảo hiến như vậy, đã và sẽ phát huy tác dụng hiệu lực của Hiến pháp và pháp luật trong thực tế cuộc sống, đảm bảo được tính tối cao của Hiến pháp, và đảm bảo cho Hiến pháp và pháp luật đi vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên các quy định trong Hiến pháp và pháp luật còn chưa thật cụ thể và rõ ràng phạm vi nhiệm vụ của từng cơ quan, cá nhân trong bảo vệ Hiến pháp, do vậy còn chồng chéo hoặc chưa phát huy tốt trách nhiệm của mình trong quá trình bảo hiến, mà chủ yếu dựa vào việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, trong khi Quốc hội còn nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng khác, bởi vậy để thực hiện tốt việc bảo vệ Hiến pháp cần sớm ban hành đạo luật quy định cụ thể cơ chế bảo hiến theo khoản 2, điều 119./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon VẤN ĐỀ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Icon VẤN ĐỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Icon CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM KIỂU MỚI
Icon NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ
Icon VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ TRONG ĐẢNG
Icon TÁM MƯƠI CHÍN MÙA XUÂN CỦA ĐẢNG
Icon HỌC TẬP PHONG CÁCH TƯ DUY: TỰ CHỈ TRÍCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.
Icon PHONG CÁCH TÁC PHONG CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Icon DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Icon Quan điểm của Đảng ta về quyền con người
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE