Tại Phiên họp này, đa số các đại biểu đánh giá cao các Báo cáo của Chính phủ, của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, của Tòa án Nhân dân tối cao trong công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2022 được chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu, nội dung đầy đủ, số liệu cụ thể. Các Tiểu ban của Ủy ban Tư pháp đã cung cấp đầy đủ số liệu làm cơ sở để các đại biểu đánh giá những nhận định, kết quả cũng như hạn chế tồn tại.
Thống nhất ý kiến Báo cáo thẩm tra của các Tiểu ban, đại biểu Phạm Đình Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh KonTum đề nghị Uỷ ban Tư pháp có ý kiến tham mưu để Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp trung ương quan tâm, đánh giá một cách thực chất và có giải pháp cụ thể để thực hiện có chất lượng hơn đối với các vấn đề nổi cộm, đáng quan tâm hiện nay. Về việc xử lý vi phạm, đại biểu đề nghị nên quan tâm đánh giá thực trạng và có biện pháp để nâng cao hiệu quả vệc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở các địa phương.
Về quản lý người nghiện ma túy, đại biểu Phạm Đình Thanh nhận thấy, thời gian qua tội phạm do người nghiện ma túy, nhất là số đối tượng sử dụng chất ma túy trái phép bị loạn thần, "ngáo đá" gây ra hết sức phức tạp, có những vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị việc theo dõi, quản lý người nghiện ma túy ở các địa phương cần phải được tăng cường và thực hiện chặt chẽ hơn, cần phải chủ động triển khai, thực hiện hiệu quả biện pháp theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện ma túy phạm tội.
Đại biểu Phạm Đình Thanh đồng thời cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp quan tâm đánh giá thực trạng và có các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, cán bộ thực hiện một số nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng ở các lực lượng biên phòng, kiểm lâm, hải quan… Đề nghị Chính phủ xem xét giao lực lượng Bộ đội Biên phòng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm xảy ra nhiều trên khu vực biên giới, cửa khẩu, nhất là các hành vi phạm quy định tại Điều 11 và Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tăng cường công tác khảo sát, giám sát, kịp thời kiến nghị các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống vi phạm, tội phạm và phòng chống tham nhũng./.