Tính chất đặc thù
Trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề đều có tính đặc thù riêng biệt. Đối với hoạt động của cơ quan dân cử, ngoài khả năng diễn đạt, các đại biểu chuyên trách (nói riêng) và cả đội ngũ chuyên viên của Văn phòng HĐND phải là những người có khả năng làm việc độc lập cao, khả năng tự nghiên cứu, phát hiện vấn đề… để giám sát theo luật định.
Thiếu khả năng, năng lực nghiên cứu, phát hiện vấn đề chưa chính xác ắt kết quả giám sát mang lại không cao. Giám sát của cơ quan dân cử là giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, ngoài phản biện khi giám sát thực tế, giám sát tại nghị trường hoặc qua báo cáo, trong báo cáo kết quả giám sát hoặc trong từng câu nói của đại biểu dân cử đều thể hiện khá rõ tính phản biện, sự nhận xét, đánh giá kết quả thực thi pháp luật của một cơ quan, một ngành, một địa phương. Từ đó, chỉ rõ cái được và chưa được thuộc về khách quan, về quy định của pháp luật hiện hành hay thuộc về sự chủ quan, lơ là của các cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật để các cơ quan, đơn vị này thật sự tâm phục, khẩu phục mới là điều khó. Điều khó hơn nữa là qua giám sát đề xuất để Quốc hội đồng ý sửa đổi, bổ sung luật hoặc đề xuất HĐND đồng ý sửa đổi, bổ sung các nghị quyết mà HĐND đã ban hành, hoặc HĐND ban hành chính sách mới nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương phát triển mạnh mẽ.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát thủy lợi Đăk Sia 2, Sa Thầy. Ảnh: VM
Trong bộ máy nhà nước ta, ngoài một số cơ quan, ban, ngành có các báo cáo có nhiều tính tương đồng như báo cáo giám sát của cơ quan dân cử, các cơ quan còn lại làm việc gì thì báo cáo việc nấy. Hầu hết các báo cáo của Thường trực và các Ban của HĐND có hàm lượng chất xám cao, đòi hỏi những người tạo ra các “sản phẩm” này phải có trí tuệ cao, có phương pháp làm việc khoa học.
Có những ý kiến cho rằng, đội ngũ tham mưu, giúp việc Thường trực và các Ban của HĐND chưa ngang tầm nhiệm vụ. Điều đó không sai. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Thường trực và các Ban của HĐND cần những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác hoặc trải qua nhiều lĩnh vực, môi trường công tác càng tốt và phải là những người giỏi thật sự. Không thật sự giỏi và có nhiều kinh nghiệm trong công tác ắt khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, trong đội ngũ tham mưu, giúp việc Thường trực và các Ban của HĐND có nhiều người vừa ra trường hoặc thời gian thâm niên công tác còn ít, có thể họ là những người giỏi thật, nhưng kinh nghiệm chưa nhiều, kiến thức ở nhiều lĩnh vực còn ít. Trong khi đó, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử là phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri… có quyền yêu cầu các cơ quan hữu quan trả lời những vấn đề mà đại biểu dân cử nêu.
Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến bản lĩnh của người đại biểu dân cử. Là những người tài năng, tâm huyết, đạo đức tốt và phải được rèn giũa qua nhiều năm công tác mới tạo cho người đại biểu dân cử, nhất là đội ngũ chuyên trách có bản lĩnh vững vàng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Phát hiện, bồi dưỡng và đãi ngộ xứng đáng
Thời nào cũng vậy, đất nước ta luôn có những người hiền tài, cũng như những người có tố chất như trên trong bộ máy nhà nước ta không phải là không có. Nếu cho rằng do cách thức đào tạo hiện nay nên lực lượng này chưa phong phú để Đảng, nhà nước cùng nhân dân chọn lựa cũng chưa hẳn đúng.
Đã từ lâu, chúng ta nói nhiều về việc phát hiện người tài, đức. Nhưng ai là người phát hiện người tài; cách thức phát hiện người tài, đức như thế nào, ngoài khoa cử ra có còn cách thức nào khác nữa không?...; rồi tiến cử người tài, đức cho Đảng, Nhà nước sử dụng. Điều này rất hệ trọng, vì nếu phát hiện sai dẫn đến bồi dưỡng sai, bổ nhiệm sai, đãi ngộ sai…và sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Dưới thời phong kiến, thông thường việc sử dụng nhân tài chủ yếu được thực hiện thông qua chế độ khoa cử, ngoài ra còn có chế độ bảo cử và chế độ tiến cử. Các chế độ này quy định, phàm là các quan lại có vị trí cao trong triều đình, ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng. Điều này được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vào năm Cảnh thống thứ nhất (1498): “Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, đó là việc lớn của chính trị… Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung thực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực, kê tên tâu lên. Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha”.
Ngày 23.9.2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Dư luận xã hội và đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, trí thức bày tỏ nhiều ý kiến tích cực về quy định này. Trong đó, có ý kiến cho rằng phải quy định rõ trách nhiệm của cá nhân khi giới thiệu nhân sự vào vị trí lãnh đạo để chống chạy chức, chạy quyền. Việc quy định rõ trách nhiệm của cá nhân khi giới thiệu nhân sự vào vị trí lãnh đạo để chống chạy chức, chạy quyền là cần thiết, bổ sung cho việc chọn người vào các vị trí lãnh đạo được chính xác và đầy đủ hơn.
Khi đã am hiểu tường tận tính chất đặc thù của công việc, nếu công tâm, khách quan, minh bạch ắt sẽ chọn đúng người cho công việc. Vấn đề còn lại là đãi ngộ xứng đáng với tài năng, đạo đức và để họ yên tâm công tác, để họ cống hiến hết mình cho sự phát nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng các cấp đã đến gần, công tác nhân sự cho đại biểu dân cử các cấp cũng cận kề. Hy vọng Đảng và nhân dân cả nước chọn lựa đúng và trúng lực lượng lãnh đạo HĐND các cấp sẽ góp phần tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước phát triển mạnh mẽ, sẽ sớm nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.