banner
Thứ 4, ngày 16/10/2024
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC
6-4-2020
Cơ cấu Bộ máy của nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp 2013 là: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, theo đó Bộ máy nhà nước được tổ chức thành ba cơ quan, lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp ( Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân) trong hệ thống thiết chế ấy có một chế định đặc biệt đó là chế định Chủ tịch nước. Chủ tịch nước không đứng đầu các cơ quan trên nhưng lại có vị trí và thẩm quyền đối với ba cơ quan đó, và tùy thuộc vào hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử mà Hiến pháp và chỉ có Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nhà nước quy định.
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC

Do hoàn cảnh đặc thù của giai đoạn sau Cách mạng tháng 8/1945, Hiến pháp 1946 đã trao cho Chủ tịch nước quyền hạn rất lớn, và cũng không đặt ra một thiết chế  riêng, mà được quy định trong chế định Chính phủ, theo đó Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước và đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước chọn Thủ tướng, đưa ra nghị viện biểu quyết, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ, tổng chỉ huy quân đội, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong quân đội, tuyên chiến hoặc đình chiến. Trong quan hệ với nghị viện, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu nghị viện thảo luận lại, hoặc biểu quyết các sắc luật đã được nghị viện thông qua, thực chất đây là quyền phủ quyết của Chủ tịch nước. Quyền hạn của Chủ tịch nước rất lớn, tuy nhiên trách nhiệm lại được Hiến pháp thu hẹp, hầu như không phải chịu trách nhiệm nào trừ khi phản bội Tổ Quốc “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào trừ khi phạm tội phản bội Tổ quốc” (Điều thứ 50, đặc điểm này gần giống với quy định quyền lực của tổng thống trong Hiến pháp Mỹ.

 Hiến pháp 1959 đã tách Chủ tịch nước ra khỏi Chính phủ thành một cơ quan độc lập, Chủ tịch nước là người thay mặt cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại, vị trí, quyền hạn Chủ tịch nước được thu hẹp lại, một số quyền được Hiến pháp 1946 quy định, được chuyển sang cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, như các quyền về cấp hàm quân sự, quyền đặc xá, tuyên bố chiến tranh và hòa bình vv.., một số quyền được bỏ hẳn, Chủ tịch nước còn một số quyền mang tính độc lập, như tiếp nhận đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, tham dự và chủ tọa các phiên họp của Chính phủ nếu thấy cần thiết, triệu tập và chủ trì hội nghị chính trị đặc biệt khi xét thấy cần thiết, một số quyền khác mang tính chất thủ tục như các quyền công bố luật, pháp lệnh, bổ nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng, phó Thủ tướng, các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ ..v.v Các quyền này được thực hiện trên cơ sở căn cứ vào quyết định của Quốc hội, hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hiến pháp cũng không quy định Chủ tịch nước có quyền ra những văn bản pháp luật nào, như vậy thẩm quyền của Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1959 cơ bản được phát sinh từ thẩm quyền của cơ quan quyền lực nhà nước, về trách nhiệm, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm khi vi phạm Hiến pháp, pháp luật.

 Hiến pháp 1980 đã sát nhập cơ quan Chủ tịch nước với Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Hội đồng nhà nước (HĐNN), đã đi một bước từ chế độ nguyên thủ cá nhân thành nguyên thủ tập thể: “Hội đồng nhà nước là chủ tịch tập thể của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 98). Với tư cách là chủ tịch tập thể HĐNN có quyền hạn khá rộng rãi “ quyết định các vấn đề quan trọng về xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc, giám sát việc thi hành Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và của HĐNN, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước (Điều 98), Hiến pháp cũng không quy định cụ thể trách nhiệm của các thành viên HĐNN, không quy định cụ thể quyền hạn của Chủ tịch HĐNN, mà quy định chung rằng HĐNN thông qua Chủ tịch hội đồng, thay mặt Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch HĐNN có một số quyền độc lập nhất định rất hạn hẹp như thống lĩnh lực lượng vũ trang, và chủ tịch hội đồng quốc phòng, tuy nhiên khi thực hiện các quyền này phải nhân danh HĐNN, thay mặt HĐNN, do vậy không có quy định trách nhiệm cụ thể của Chủ tịch HĐNN.

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đã đổi mới toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ máy nhà nước, và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Hiến pháp cũng được sửa đổi căn bản toàn diện để tạo nền tảng, hành lang pháp lý an toàn thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Chế định Chủ tịch nước được Hiến pháp 1992 chuyển từ chế độ nguyên thủ tập thể sang chế độ nguyên thủ cá nhân, thiết lập trở lại thiết chế Ủy ban thường vụ Quốc hội, về tổng thể Hiến pháp 1992 có những điểm kế thừa và phát triển của thiết chế Chủ tịch nước của Hiến pháp 1959, nhưng vị trí, địa vị pháp lý của Chủ tịch nước được quy định rõ ràng hơn: Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại (Hiến pháp 1959 chưa xác định Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, mà chỉ quy định Chủ tịch nước là người thay mặt nhà nước về đối nội đối ngoại), Hiến pháp 2013 vẫn tiếp tục xác định vị trí này của Chủ tịch nước đồng thời xác định rõ hơn các quyền, như các quyền trong lĩnh vực lập pháp, các quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước… đồng thời mở rộng và trao thêm một số quyền mới cho Chủ tịch nước, như quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc hải quân, bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức lệnh, quyết định..v.v Với tính chất Chủ tịch nước là một chức vụ nhà nước, có địa vị pháp lý rất cao, với địa vị pháp lý như vậy Chủ tịch nước đảm bảo việc phối hợp hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, của Chính phủ và trong một phạm vi, mức độ nhất định của tòa án, viện kểm sát, nhưng chỉ trong lĩnh vực chấp hành điều hành chứ không can thiệp sâu vào hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan này.

 Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, là một nhà chính trị, không đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng có thẩm quyền đối với cơ quan này (khác với tổng thống một số nước nắm quyền hành pháp), Chủ tịch nước thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động chấp hành điều hành (Điều 88, 89, 90 Hiến pháp), và thực hiện một số quyền có tính chất lập pháp như công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, thực chất đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình lập pháp, và cũng có những thẩm quyền trong hoạt động tư pháp như quyền đặc xá, đại xá…. Chủ tịch nước là mắt xích quan trọng lãnh đạo các công việc của nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khuôn khổ thẩm quyền có quyền đưa ra các chính sách, quyết định cụ thể đối với Chính phủ nhằm thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại, Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo công tác với Chủ tịch nước, thông qua đó Chủ tịch nước kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hoạt động của Chính phủ. Trong mối quan hệ với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết đã được thông qua, và nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn tán thành thì Chủ tịch nước có quyền trình Quốc hội xem xét quyết định. Như vậy Chủ tịch nước không chỉ là một chức vụ mà còn là một cơ quan nhà nước, một cơ quan đặc biệt, thực hiện những hoạt động của quản lý nhà nước, hoạt động lập pháp và tư pháp. Về trách nhiệm Hiến pháp 2013 quy định rõ, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, như vậy toàn bộ hoạt động của Chủ tịch nước chịu sự giám sát của Quốc hội. Cho đến nay địa vị pháp lý, thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch nước vẫn chỉ được quy định trong một đạo luật duy nhất đó là Hiến pháp, thực tiễn và lý luận đang đặt ra yêu cầu cần ban hành một đạo luật về Chủ tịch nước, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền và hoạt động của Chủ tịch nước./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon BÀI HỌC VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT CỦA ĐẢNG TA
Icon VẤN ĐỀ MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐÔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Icon VỀ VẤN ĐỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VỀ VẤN ĐỀ MỨC PHẠT TIỀN TỐI ĐA TRONG CÁC LĨNH VỰC TRONG DỰ LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VẤN ĐỀ BẢO VỆ HIẾN PHÁP VÀ VIỆC BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở NƯỚC TA
Icon VẤN ĐỀ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Icon VẤN ĐỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Icon CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM KIỂU MỚI
Icon NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ
Icon VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ TRONG ĐẢNG
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE