Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh sinh động rằng, đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vấn đề đoàn kết đã được Đảng xác định trong chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt tại hội nghị thành lập Đảng, bằng việc chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm đoàn kết các giai tầng, khơi dậy lòng yêu nước để đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt là tại Hội nghị trung ương lần thứ 8 tháng 5/1941 đã chủ trương: Liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp, Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở. Đại đoàn kết cũng là một nội dung quan trọng cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết dân tộc, đó là tài sản vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam, ngày nay và thế hệ mai sau. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lê nin vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta, Người đã vạch ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng đã tìm thấy phương sách có hiệu quả để đoàn kết toàn dân tộc, đó là: Thống nhất rộng rãi bao gồm tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, không phân nam nữ, già trẻ, giàu nghèo... cùng thống nhất ý chí và hành động chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính để đánh đổ chúng, giành độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc và xây dựng lại đất nước. Vấn đề đại đoàn kết trong quan điểm của đảng ta và trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là mơ hồ chung chung, không phải là một tập hợp những quần chúng giai tầng ô hợp, mà xác định rõ lực lượng đoàn kết, hình thức đoàn kết, nguyên tắc đoàn kết, và cơ sở của đoàn kết. Về lực lượng đoàn kết đó là “ Bất cứ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ” đó là bao gồm tất cả các giai cấp tầng lớp, lực lượng, đảng phái các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngòai, kể cả những người lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải trở về với nhân dân, với dân tộc. Cơ sở của đại đoàn kết là thống nhất hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích của cá nhân cộng đồng, của các giai tầng, đó cũng là mẫu số chung của đại đoàn kết, phát huy những mặt tương đồng, hóa giải các điểm khác biệt, làm cho khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, thống nhất trong đa dạng, đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của dân tộc, khoan dung độ lượng với con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đại ý rằng: năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, trong anh em đồng bào ta cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi con lạc cháu hồng, đã con lạc cháu hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc, vậy nên ta phải khoan dung độ lượng tập hợp đoàn kết lại. Nguyên tắc của đại đoàn kết đó là lấy liên minh công nông trí và các tầng lớp nhân dân lao động khác dưới sự lãnh đạo của đảng làm nòng cốt, và trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc đó, Đảng là hạt nhân, là trung tâm, bởi vậy sự đoàn kết nhất trí trong Đảng là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho sự vững bền của khối đại đoàn kết dân tộc. Hồ Chủ Tịch từng căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta, các đồng chí từ trung ương đến chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí, Đảng mạnh thì mới đảm bảo giữ gìn và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, bởi Đảng không có một lợi ích nào khác ngoài việc phục vụ lợi ích Tổ quốc, lợi ích dân tộc, như lời Người đã nói: “Mục đích của Đảng lao động Việt Nam có thể gồm tám chữ đoàn kết toàn dân phụng sự Tổ Quốc”. Bởi vậy việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong đảng luôn là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng chỉnh đốn đảng trong sạch vững mạnh. Với tầm quan trọng sâu sắc của đại đoàn kết như vậy, Đảng ta đã xây dựng một hình thức đoàn kết vô cùng độc đáo và sáng tạo, tùy thuộc vào hoàn cảnh và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng mà chúng ta có những hình thức xây dựng khối đại đoàn kết một cách thích hợp, mặt trận dân tộc thống nhất phản đế đông dương, hội phản đế đồng minh, việt minh, Hội liên việt, mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa cách mạng nước ta giành chính quyền nắm 1945, kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ thành quả cách mạng, thống nhất Tổ Quốc, trong công cuộc xây dựng đất nước và sự nghiệp đổi mới hiện nay, vấn đề đại đoàn kết vẫn là vấn đề chiến lược của Đảng ta, tư tưởng đại đoàn kết, lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tư tưởng nhất quán là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng, là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Một trong 5 bài học lớn được Đảng ta đúc rút, trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đó là: Không ngừng củng cố, tăng cường đoàng kết, đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Học tập chuyên đề năm 2020 Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân rằng, đại đoàn kết là một nhiệm vụ thường xuyên, và vấn đề có tính chiến lược, tính quy luật của cách mạng nước ta./.