banner
Thứ 4, ngày 4/12/2024
VỀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI CÔNG DÂN
13-7-2021
Xã hội công dân là một vấn đề chính trị pháp lý, không tách rời lý luận về dân chủ và nhà nước pháp quyền hiện đại. Nó thường được hiểu là cộng đồng dân cư của một quốc gia, bao gồm nhiều sắc tộc và những bản sắc văn hóa khác nhau, nhưng cùng chịu sự quản lý từ một chính quyền nhà nước, trong đó mỗi cá thể đều ý thức được về quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà nước, và bình đẳng giữa các cá thể trong cộng đồng trước pháp luật. Bởi vậy xã hội công dân được xem là nền tảng của lý luận về nhà nước pháp quyền và dân chủ chính trị, trên góc độ hiện thực, cơ sở của sự hình thành xã hội công dân là quan hệ thị trường và sự ra đời của các quốc gia dân tộc. Tuy nhiên loài người đang đứng trước xu thế toàn cầu hóa, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nó tác động to lớn đến quan niệm cũng như việc xác lập, xây dựng một xã hội công dân của các quốc gia dân tộc, có ý kiến còn đề cập đến việc xây dựng một xã hội công dân, không chỉ trong từng nước mà còn trên phạm vi toàn thế giới, đó là một thách thức lớn cho các quốc gia dân tộc. Đối với chúng ta, việc hình thành và tiếp cận xác lập một xã hội công dân như thế nào, trước hết phải nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội công dân, theo Mác thì xã hội công dân, là một lĩnh vực sinh hoạt và hoạt động vật chất, kinh tế của con người, từ đó Mác nhận định: Không phải xã hội công dân do nhà nước quy định mà trái lại nhà nước do nhân dân tạo lập và quy định, vì vậy nhà nước của dân, do dân và vì dân là cái đích mà nhân loại tiến bộ phải đi đến. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì xây dựng một xã hội mà ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, và nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Từ những vấn đề trên ta có thể hiểu chung nhất về xã hội công dân: Đó là một cộng đồng được gắn kết với nhau bởi một thị trường thống nhất và gắn kết với nhau bởi pháp luật của nhà nước, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, và có quyền thể hiện ý chí của mình trong ý chí nhà nước qua hệ thống pháp luật, đồng thời sử dụng quyền năng của mình thông qua chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, như vậy với điều kiện thực tiễn của nước ta, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN diễn ra đồng thời với việc xác lập xã hội công dân, bởi nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, và xã hội công dân dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể hình thành bằng con đường tự phát, mà đó là một quá trình tự giác dưới sự hỗ trợ tích cực của nhà nước và đường lối dẫn dắt của Đảng.
VỀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI CÔNG DÂN

Quá trình hình thành và xác lập xã hội công dân hiện nay ở nước ta, đó là quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, và pháp luật là cơ sở hình thành xã hội công dân, nó quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước cũng như quy định các quyền và nghĩa vụ của nhà nước đối với công dân. Khi một công dân có hành vi vi pháp pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, vì thế luật thực định của nước ta có những quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức khi có hành vi vi phạm hiến pháp và pháp luật (Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật cán bộ công chức …).

Quá trình xây dựng xã hội công dân còn là quá trình thúc đẩy và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng các hạ tầng cơ sở để cung cấp các dịch vụ công cộng. Quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một yếu tố quan trọng của việc thực hiện xã hội công dân, là cơ sở kinh tế của xã hội công dân, bởi vậy nhà nước ta đã và đang xác lập và thực hiện một loạt các biện pháp tổng hợp để mở rộng các quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, lao động, tín dụng, vv.. của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong xã hội, nhà nước thực hiện chức năng quản lý bằng pháp luật đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội. Trong các quan hệ dân sự, nhà nước hết sức tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ, chỉ can thiệp khi có yêu cầu hoặc khi phương hại đến lợi ích của nhà nước, của tập thể, xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa … để nâng cao dân trí, đặc biệt là nâng cao trình độ ý thức hiểu biết pháp luật, tôn trọng pháp luật của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia sâu rộng vào đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, định hướng thông tin để nhân dân hiểu đúng bản chất của các nguồn thông tin trong nước và quốc tế, đa dạng hóa và thực hiện tốt các hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia rộng rãi vào quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong khuôn khổ pháp luật.

Xác lập xã hội công dân không thể tách rời vấn đề khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc là tạo lập các điều kiện để xã hội công dân được hình thành trên nền tảng sự bình đẳng và hòa hợp giữa các dân tộc trong nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thống nhất bền vững./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon GIÁ TRỊ BỀN VỮNG CỦA ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Icon THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN THAM NHŨNG DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LÝ
Icon TÒA ÁN - CƠ QUAN QUAN TRỌNG TRONG THỰC THI VÀ BẢO VỆ CÔNG LÝ
Icon Tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Icon Một số vấn đề về tình hình tội phạm hiện nay
Icon VẤN ĐỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO GÂY Ô NHIẾM MÔI TRƯỜNG
Icon Vài nét về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Icon VỀ VẤN ĐỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Icon TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VĂN KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG
Icon VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030.
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE