Địa bàn thực hiện chương trình: chương trình được thực hiện ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên cụ thể như sau:
Địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn) là các xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế xã hội chậm phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông; điều kiện khám chữa bệnh, học tập của người dân còn nhiều khó khăn… các thôn xã nêu trên sẽ được nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho con người tiếp cận các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách so với các vùng phát triển.
Địa bàn còn khó khăn là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, còn thiếu hụt một hoặc một số điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với các xã khu vực II nhà nước sẽ hỗ trợ tạo sinh kế, đàu tư bổ sung một phần hạ tầng còn thiếu hụt, chủ yếu là thực hiện các chính sách đối với con người.
Địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I) là các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đối với các xã khu vực I, cơ bản thực hiện chính sách đối với con người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Nghị quyết cũng đã xác định nguồn kinh phí thực hiện theo đó tổng kinh phí nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2015, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 104.954 tỷ đồng; ngân sách địa phương 10.016 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách: 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 2.967 tỷ đồng. nguồn vốn của chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chương trình cũng đã xác định 10 dự án thành phần để nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong chương trình, và để thực hiện tốt chương trình Quốc hội đã giao cho Chính phủ 5 nhiệm vụ cụ thể như tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và 21 chương trình mục tiêu đang thực hiện để đưa vào chương trình này, bảo đảm địa bàn đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất, chỉ đạo nghiên cứu khả thi theo quan điểm mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế quản lý, điều hành quy định tại Nghị quyết 88/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; quyết định đầu tư chương trình theo đúng quy định của Luật đầu tư công, quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện chương trình, rà soát, cân đối, bố trí ngân sách trong quá trình điều hành thực hiện chương trình …
Việc Quốc hội thông qua nghị quyết này là giải pháp quan trọng nhất quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã được xác định trong nghị quyết 88/2019, đồng thời sẽ góp phần tích cực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhanh và bền vững./.