Vài nét về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
29-12-2020
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã, sinh sống theo cộng đồng. Các dân tộc thiểu số hiện nay có khoảng hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Khi nhìn nhận tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng này cho thấy có ba vấn đề nổi lên như sau: Thứ nhất, Vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức thấp so với bình quân chung cả nước, một vài con số sau đây chứng minh điều này, còn khoảng 30% học sinh chưa được đi học đúng độ tuổi, mức tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ được cấp thẻ bảo hiểm y tế cao nhưng tỷ lệ khám chữa bệnh còn thấp, trẻ em suy dinh dưỡng là 32%, gần 1/3 số hộ gia đình chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh vv… Thứ hai, Đây vẫn là vùng đã và đang là rốn nghèo của cả nước, tỷ lệ dân số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn có 9 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%... Thứ ba, Đây là vùng chủ yếu là núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, điểm xuất phát thấp, chi phí sản xuất cao, lưu thông hàng hóa khó khăn vv…
Bởi vậy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng này là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và nhà nước ta. Trong những năm qua Đảng và nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng này, như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012 - 2018, trên cơ sở đó Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành 46 văn bản pháp quy, có 118 chính sách hỗ trợ, để tổ chức thực hiện chương trình. Quá trình thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện trên một số nét cơ bản như sau: Đã góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường lớp học đã được phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đã đầu tư giai đoạn 2012-2015 từ ngân sách trung ương là hơn 25.813 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 5.003 tỷ đồng, giai đoạn 2016- 2018 là hơn 21.597 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 3.375 tỷ đồng trong hai giai đoạn, tổng số kinh phí bố trí cho chương trình khoảng 38.766 tỷ đồng từ ngân sách. Ngoài ra còn các nguồn lực khác từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cả 2 giai đoạn là hơn 22. 920 tỷ đồng, ngoài ra còn các nguồn hỗ trợ thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng với các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo vv… Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 35%, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Chính phủ, 14 huyện thoát khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo, về giao thông có 100% các tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm các huyện lỵ, tỷ lệ hộ gia đình dùng điện đạt 93%, 100% xã vùng đòng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trường tiểu học, trung học cơ sở, hầu hết các xã đều có trường mầm non, 1097 trường phổ thông trung học bán trú, đã đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 20.700.000 người vv… Các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, kết hợp chính sách cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất được triển khai thực hiện, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày được nâng cao, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn, công tác giáo dục và đào tạo nghề đã có nhiều tiến bộ, góp phần đáng kể vào việc nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản từng bước được nâng cao, mạng lưới y tế phát triển ở các cấp, đảm bảo đồng bào được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, chính sách bảo hiểm y tế đối với đồng bào được thực hiện đúng quy định, góp phần cải thiện chất lượng dân số đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên trình độ phát triển và đời sống mọi mặt của đồng bào vùng này vẫn còn nhiều khó khăn, quan điểm của Đảng chỉ rõ: “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực… ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo…” và các đề án chính sách mới được tiếp tục ban hành: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030… Tin tưởng rằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tiếp tục được cải thiện và nâng cao, diện mạo của nông thôn vùng miền núi sẽ có bước thay đổi mới./.