banner
Thứ 6, ngày 27/12/2024
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VĂN KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG
3-8-2020
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Cách mạng tháng 8 vĩ đại giành độc lập, tự do dân tộc. Trở về từ căn cứ địa cách mạng Tân Trào, tại Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang - Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã soạn thảo Bản tuyên ngôn độc lập, và ngày 02/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ tuyên đọc bản tuyên ngôn, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử quan trọng, khi nghiên cứu bản tuyên ngôn chúng ta thấy có 3 nội dung lớn: Thứ nhất: Mở đầu bản tuyên ngôn đã viện dẫn và khẳng định giá trị cốt lõi các quyền tự do, bình đẳng, hạnh phúc của con người, được ghi trong Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, và Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng pháp năm 1791 coi đó là “những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”, tuy nhiên cái độc đáo là ở chỗ, từ những quyền con người ấy suy rộng ra là quyền của các dân tộc “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc… suy rộng ra các quyền ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Việc suy rộng ấy không phải là tư duy chủ quan, khiên cưỡng, mà là dựa trên nguyên lý chung về việc con người sinh ra luôn được tự do, và bình đẳng về quyền lợi, và con người luôn gắn kết trong một cộng đồng nhất định, một vùng lãnh thổ nhất định, đó là cộng đồng dân tộc, và lãnh thổ Quốc gia. Như thế số phận của mỗi con người, đều gắn với số phận Quốc gia, số phận dân tộc, bởi lẽ đó, nước mất độc lập thì người dân sẽ mất tự do, hạnh phúc, và độc lập dân tộc là con đường duy nhất và là điều kiện tiên quyết để đảm bảo và phát huy quyền con người, và như thế vấn đề độc lập tự do và bình đẳng là điều mà dân tộc nào cũng muốn có được, và luôn đấu tranh cho điều đó.
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VĂN KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG

Thứ hai: Lên án tội ác dã man của thực dân pháp đối với đất nước ta, nhân dân ta, đồng bào ta, đi ngược với các tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của chính ngọn cờ cách mạng dân chủ tư sản, hay nói cách khác là lợi dụng ngọn cờ tự do, bình đẳng, bác ái để áp bức nô dịch, lừa bịp đồng bào ta, Bản tuyên ngôn độc lập đã lên án mạnh mẽ các tội ác như về chính trị: “không cho dân ta một chút dân chủ nào, thi hành pháp luật dã man, thực hiện chính sách chia để trị, đàn áp chém giết đồng bào yêu nước, về kinh tế bóc lột nhân ta đến xương tủy khiến cho nông dân nghèo nàn thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều, cướp không ruộng đất, hầm mỏ nguyên liệu, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý cho nhân dân ta nhất là dân cày và dân buôn bán trở nên bần cùng…”.Khi phát xít nhật xâm lăng Đông Dương, Pháp đã đầu hàng và bán nước ta cho Nhật, từ đó nhân dân ta chịu hai tầng xiêng xích, đã làm cho “hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói”, đó là những tội ác, trời không dung, đất không tha.

 Thứ ba: Tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phát xít, phong kiến, khẳng định quyền tự chủ, độc lập, tự do của nhân dân ta. Sau 15 năm vận động cách mạng kể từ khi Đảng ra đời, chớp thời cơ Nhật đầu hàng đồng minh, nhân dân ta đã vùng lên làm cách mạng đánh đổ xiềng xích thực dân, phát xít và chế độ quân chủ, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa, đồng thời tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà pháp đã ký về Việt Nam, xóa bỏ hết tất cả đặc quyền đặc lợi của pháp trên đất nước Việt Nam. Việc tuyên bố thoát ly và xóa bỏ này, có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của nó, bởi trong 5 năm từ mùa thu năm 1940 Pháp đã “Bán nước ta hai lần cho Nhật”, như vậy là thời điểm đó nước ta là “Thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp” và khi Nhật đầu hàng đồng minh thì nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền, như thế “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chưa không phải từ tay Pháp”, cơ sở này không chỉ nhằm ngăn chặn âm mưu quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa của Pháp, mà khi chiến tranh xảy ra còn chứng minh tính chất bất hợp pháp, tính hiếu chiến và vô nhân đạo của việc Pháp xâm lăng nước ta lần thứ hai. Đồng thời trên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc mà khẳng định niềm tin tưởng rằng các nước đồng minh “Quyết không thể không công nhận quyền độc lập của Việt Nam”, và bởi “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc ấy phải được độc lập”. Với niềm tin vào công lý và các quyền dân tộc tự quyết, tuyên ngôn khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập bằng mọi giá: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do độc lập ấy”

 Với tuyên ngôn độc lập nước ta xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là một nước tự do, độc lập và có chủ quyền, chấm dứt giai đoạn đất nước bị đô hộ, nhân dân bị áp bức lầm than, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030.
Icon NÂNG NIU TẤT CẢ CHỈ QUÊN MÌNH
Icon CÁC HÌNH THỨC DÂN CHỦ - PHƯƠNG TIỆN QUAN TRỌNG THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
Icon ĐỊA VỊ PHÁP LÝ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC
Icon BÀI HỌC VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT CỦA ĐẢNG TA
Icon VẤN ĐỀ MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐÔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Icon VỀ VẤN ĐỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VỀ VẤN ĐỀ MỨC PHẠT TIỀN TỐI ĐA TRONG CÁC LĨNH VỰC TRONG DỰ LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VẤN ĐỀ BẢO VỆ HIẾN PHÁP VÀ VIỆC BẢO VỆ HIẾN PHÁP Ở NƯỚC TA
Icon VẤN ĐỀ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE