banner
Thứ 4, ngày 16/10/2024
Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
16-3-2022
Hoạt động giám sát; thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND là những hoạt động chủ yếu của các cơ quan Hội đồng nhân dân. Quy trình cho các hoạt động này được quy định khá đầy đủ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên ở mỗi địa phương sẽ có những cách làm khác nhau trên cơ sở quy trình đã được quy định nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra  báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026

Đối với hoạt động giám sát, có nhiều hình thức giám sát theo quy định của Luật, tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai các hoạt động giám sát trên thực tế, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum cho rằng  hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp là một hoạt động cần được chú trọng

Trong thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh Kon Tum được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh gần đây, hoạt động này diễn ra sôi nổi, được dư luận và cử tri trong tỉnh quan tâm, có những phản hồi tích cực. Để có được kết quả này, trong kế hoạch tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh sau tiếp xúc cử tri phải thực hiện nghiêm việc họp tổ để thảo luận, góp ý kiến tham gia vào các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đồng thời, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, thảo luận tổ, kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền và thực tiễn ở địa bàn ứng cử, đại biểu lựa chọn những vấn đề bức xúc, đang được cử tri và nhân dân quan tâm để đăng ký chất vấn theo quy định. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh xem xét lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn tại mỗi kỳ họp; yêu cầu người bị chất vấn phải chuẩn bị kỹ nội dung để trả lời cho đại biểu tại kỳ họp. Đối với nội dung chất vấn cần có sự trả lời của người trực tiếp triển khai vụ việc, nhưng không phải là người bị chất vấn theo quy định của Luật, như thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Trưởng Ban quản lý các dự án..., đều được mời đến để làm rõ các nội dung mà đại biểu quan tâm. Người bị chất vấn trả lời thẳng vào vấn đề, xác định rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém trong thời gian tới. Đại biểu tích cực tranh luận, đeo bám đến cùng vấn đề. Những nội dung chưa được trả lời đầy đủ tại kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu ngay sau kỳ họp, người bị chất vấn phải có văn bản giải trình đầy đủ và gửi đến Thường trực HĐND tỉnh và người chất vấn để thông tin lại với cử tri, theo dõi, giám sát theo luật định.

Tuy nhiên, hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Nội dung chất vấn chưa nhiều, chưa toàn diện; đại biểu chất vấn chủ yếu tập trung đại biểu chuyên trách; khi chất vấn chưa tranh luận nhiều, chưa truy vấn đến cùng trách nhiệm giải quyết các vấn đề, nội dung đặt ra; một số đại biểu trả lời chất vấn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa có giải pháp để giải quyết rốt ráo kết quả các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Đối với việc thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp: Hoạt động thẩm tra là bước quan trọng, là một “kênh thông tin” đáng tin cậy để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết định thông qua nghị quyết. Thời gian qua, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Kon Tum ngày càng nề nếp, hiệu quả, chất lượng thẩm tra được nâng lên rõ rệt, được đa số đại biểu tán thành, được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các quyết nghị được thông qua. Tuy nhiên, việc tuân thủ thời gian gửi các tờ trình dự thảo Nghị quyết của cơ quan trình đến các cơ quan giúp việc của Hội đồng nhân dân có lúc còn bị chậm, chưa đầy đủ tài liệu liên quan, dẫn đến áp lực chạy đua với thời gian để thẩm tra phục vụ kỳ họp là một khó khăn lớn đối với các Ban HĐND.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại kỳ họp, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, thiết nghĩ cần tập trung vào một số vấn đề sau:

1. Ngoài việc giao nhiệm vụ cho đại biểu đặt ra vấn đề chất vấn để nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của đại biểu trước cử tri thì cần khuyến khích và đề nghị đại biểu có nghiên cứu kỹ về nội dung chất vấn, khi cần thiết thì phản biện với người bị chất vấn để vấn đề chất vấn được triệt để, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu trong hoạt động giám sát nói chung.

2. Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chủ động tổ chức Hội nghị liên tịch để thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, trong đó xác định thời gian cụ thể để cơ quan trình chủ động trình các nội dung ra kỳ họp, hạn chế tình trạng tài liệu gửi chậm, sát với kỳ họp; quá thời gian quy định, các Ban HĐND tỉnh sẽ không thẩm tra đối với các nội dung gửi chậm so với thời gian đã được thống nhất, trừ nguyên nhân chậm trễ vì lý do khách quan.

3. Phân công một Ban chủ trì và phối hợp với các Ban còn lại để thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Quá trình thẩm tra thực hiện chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Các Ban của HĐND tỉnh chủ động nghiên cứu, tiếp cận và cập nhật thông tin, tham gia ý kiến đối với cơ quan soạn thảo ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm tạo sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, giúp cho các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành sát thực tiễn và có tính khả thi cao.

4. Để đảm bảo những nội dung trình trở thành quyết sách đúng đắn, đầy đủ và hợp pháp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, trong một số trường hợp cần thiết, các Ban cần tiến hành khảo sát ở cơ sở, địa bàn, đối tượng tác động trực tiếp của chính sách để phục vụ cho công tác thẩm tra được khách quan, chất lượng và chính xác hơn; đồng thời, phát hiện kịp thời các nội dung trình chưa đảm bảo quy trình thủ tục hoặc nội dung chưa được xây dựng chu đáo trình kỳ họp để trao đổi với các cơ quan trình bổ sung, điều chỉnh hoặc rút nội dung trình.

5. Kết thúc thẩm tra, nếu còn những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan trình thì các Ban của HĐND tỉnh kịp thời báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định phương án trình HĐND xem xét. Trong một số trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cấp ủy cùng cấp xin ý kiến chỉ đạo để đảm bảo sự thống nhất về ban hành nghị quyết, chính sách của HĐND phù hợp với chủ trương của Đảng.

Sự đổi mới trong các hoạt động nói chung của HĐND là rất cần thiết, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật thì sự đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động trong giám sát, thẩm tra đòi hỏi có quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Nghe Minh Hồng  
Tin liên quan:
Icon Thực trạng và kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp
Icon MẤY VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Icon SỰ PHÙ HỢP VỀ QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG TRONG TƯ PHÁP HÌNH SỰ GIỮA PHÁP LUẬT NƯỚC TA VỚI LUẬT PHÁP QUỐC TẾ
Icon VẤN ĐỀ PHÂN QUYỀN VÀ ĐỘC LẬP TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP.
Icon NHỮNG KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA VẤN ĐỀ TÀI SẢN CÔNG CỦA CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở NƯỚC TA
Icon VẤN ĐỀ BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA.
Icon VỀ VẤN ĐỀ BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH.
Icon VẤN ĐỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH NIÊN (Sửa đổi)
Icon VẬN DỤNG NHẬN THỨC VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG VÀ CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
Icon VẤN ĐỀ BỔ SUNG CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CHO PHÒNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE