VẬN DỤNG NHẬN THỨC VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG VÀ CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
11-5-2020
Trong quá trình đấu tranh phòng và chống các hành vi vi phạm pháp luật, một yếu tố quan trọng đó là đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi trái pháp luật, và các hậu quả mà hành vi đó mang lại, từ đó đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi trái pháp luật. Để có được cái nhìn toàn diện và đúng đắn trong vấn đề này, triết học mà đặc biệt là triết học Mác-Lê nin về quan hệ nhân quả, đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định. Cặp phạm trù nhân quả là một trong những phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật, nó có vai trò thế giới quan, phép nhận thức biện chứng trong hoạt động nhận thức thực tiễn của con người. Một trong những nội dung quan trọng của khoa học pháp lý là nghiên cứu những các hành vi vi phạm pháp luật, các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh các hành vi đó, và các hậu quả xấu cho xã hội mà nó mang lại, từ đó đề ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tiến đến loại trừ nó ra khỏi đời sống xã hội. Trong quá trình đó quan niệm duy vật biện chứng về mối quan hệ nhân quả đóng vai trò là cơ sở nhận thức, và phương pháp luận đúng dắn, giúp ta có cái nhìn tổng thể, toàn diện về các hành vi vi phạm pháp luật.
Quan hệ nhân quả là quan hệ vốn có của hiện thực vật chất và mối quan hệ tương tác giữa các sự vật hiện tượng. Hành vi vi phạm pháp luật của con người được thực hiện trong một bối cảnh nhất định, vì thế khi đi tìm nguyên nhân của các hành vi đó, chúng ta phải phân tích nguyên nhân vật chất, động cơ, lợi ích vật chất của nó cũng như các yếu tố thuộc về chủ quan, đặc điểm tâm sinh lý tiêu cực của cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, như thế mới đảm bảo tính khách quan, tính khoa học cho việc nhận thức nguyên nhân từ đó làm cơ sở cho việc xử lý đúng đắn tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm pháp luật. Khi vận dụng nhận thức quan hệ nhân quả trong nghien cứu, tìm hiểu nguyên nhân của các hành vi vi phạm pháp luật, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận nguyên nhân như một quá trình, các hành vi này đều có những nguyên nhân cụ thể xác định và có nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân cơ bản, không cơ bản, nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu, nguyên nhân chủ quan, khách quan vv.. nguyên nhân đó là kết quả của toàn bộ quá trình biến đổi trước đó trong bối cảnh xã hội và cá nhân nào đó hoạt động, vì thế đòi hỏi chúng ta phải phân tích những yếu tố nào do tác động của xã hội, của điều kiện hoàn cảnh, những yếu tố nào thuộc về yếu tố nhận thức chủ quan của người có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó làm cơ sở cho việc nhận thức nắm rõ nguyên nhân chưa hành vi để có biện pháp xử lý thích hợp. Quan hệ nhân quả có mối quan hệ tất yếu với mâu thuẫn nội tại của sự vật, hiện tượng, vì nó biểu hiện một mặt của sự phát triển biện chứng, khi vận dụng nhận thức của mối quan hệ này, chúng ta phải hướng vào bên trong của đối tượng nghiên cứu để làm sáng tỏ mâu thuẫn nội tại của đối tượng, mà trong một điều kiện hoàn cảnh cụ thể, thích hợp sẽ phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, từ đó giúp chúng ta thấy mặc dù đối tượng chỉ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi có điều kiện hoàn cảnh thích hợp, nhưng nguyên nhân của hành vi đó đã tiềm ẩn ở đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Với tính cách là một thực thể xã hội, con người sống với những mâu thuẫn nội tại vốn có của mình, và giải quyết các mâu thuẫn thông qua hoạt động trong cuộc sống với những mục đích không giống nhau, có thể có lợi cho xã hội hoặc có hại cho xã hội, nếu họ có nhận thức đúng đắn và có đạo đức, có bản lĩnh thì có hành vi hoạt động có lợi cho xã hội, nếu có xu hướng lợi ích vật chất bất chính, động cơ bất chính, nhu cầu không lành mạnh, hay bị dụ dỗ lôi kéo thì sẽ có hành động có hại cho xã hội, tuy nhiên cũng cần tính đến các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của các hoạt động đó, như cơ chế quản lý không đồng bộ, sơ hở, cuộc sống hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, hay nông nổi vv… mà nếu con người có hành vi giải quyết tiêu cực thì cũng sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Mối quan hệ nhân quả có tính phổ biến, thể hiện ở chỗ, bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng đều có nguyên nhân của nó, vì thế hành vi vi phạm pháp luật dù nghiêm trọng đến đâu đều là kết quả của quá trình nhận thức và hành động của đối tượng, và nó cũng chịu sự tác động của những yếu tố khác nhau, vì vậy tìm hiểu nguyên nhân các hành vi này, chúng ta không chỉ xem xét các yếu tố riêng biệt, mà còn phải xem xét tổng thể các yếu tố và sự tác động qua lại của các yếu tố, từ đó tìm ra nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu, nguyên nhân cơ bản, không cơ bản vv.. để có biện pháp xử lý đúng và có hiệu quả.
Vận dụng nhận thức về mối quan hệ nhân quả trong triết học Mác-Lê nin giúp chúng ta xác định đúng đắn mối quan hệ giữa các hành vi phạm pháp luật với các hoạt động xã hội khác, làm rõ tính chất và sự biến động của các hành vi đó làm cơ sở cho việc xác định những giải pháp đúng nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, góp phần nâng cao trình độ văn hóa pháp lý trong quần chúng nhân dân./.