VẤN ĐỀ BỔ SUNG CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CHO PHÒNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
27-3-2020
Dự thảo luật có bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo đó: Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Về vấn đề này tuy có những ý kiến khác nhau như Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp giám định thì khó có thể đảm bảo tính khách quan, quy định như vậy làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí, đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, là chưa phù hợp với tinh thần chủ trương tinh giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 18 của Đảng...v.v. Tuy nhiên cần tính tới việc đáp ứng yêu cầu góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, đặc biệt là từ ngày 01/01/2020 các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, việc yêu cầu giám định loại việc này sẽ càng tăng, trong điều kiện từ trước tới nay mới có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ công an, đảm nhận giám định loại việc trên, thực tiễn giám định cho thấy trung bình thời gian mỗi vụ việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2-3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên có ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Nghị quyết 18 của Đảng chủ trương tinh giảm biên chế sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn nhưng hoạt động là phải hiệu lực, hiệu quả, cần hiểu theo tinh thần là nếu phải đáp ứng yêu cầu hiệu lực hiệu quả thì vẫn phải tăng cường năng lực, nguồn lực cho bộ máy, bởi vậy việc bổ sung quy định trên nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết.
Về việc thực hiên giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước, về vấn đề này cần nhìn nhận rằng, việc huy động nguồn nhân lực chất lượng cao từ đội ngũ kiểm toán viên của Kiểm toán nhà nước vào công tác giám định tư pháp, phục vụ hiệu quả trong quá trình xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng là cần thiết. Tuy nhiên nguồn lực giám định viên tư pháp hiện nay khá đông đảo và theo báo cáo của Chính phủ là đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, trong khi đó khối lượng công việc hằng năm của Kiểm toán nhà nước rất lớn, nếu quy định nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm toán nhà nước tương tự như bộ ngành trong việc thực hiện giám định tư pháp, công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ và sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan này, do đó đề nghị không nên quy định một điều luật riêng về nhiệm vụ quyền hạn cụ thể về giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước vào dự thảo luật. Tuy nhiên để tạo cơ sở pháp lý cho Kiểm toán nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp, trong những trường hợp cần thiết, nên có quy định theo hướng: Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức có chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định, theo đó các cơ quan chức năng có thẩm quyền như bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố./.