banner
Thứ 6, ngày 15/11/2024
VẤN ĐỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH NIÊN (Sửa đổi)
14-5-2020
Dự thảo có các quy định về các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các công dân Việt Nam từ 16 tuổi đến 30 tuổi. Trong vấn đề này chúng ta cần làm rõ tính hợp lý của cách tiếp cận nêu trên bằng việc phân tích các câu hỏi: Nội dung của các quy định này có đáp ứng được các chuẩn mực đối với một đạo luật tốt hay không ? và liệu việc quy định như trên có trái ngược với lý thuyết và pháp luật về quyền con người hay không ?
VẤN ĐỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH NIÊN (Sửa đổi)

Chúng ta cần phân loại các quyền và nghĩa vụ của thanh niên thành các nhóm: Nhóm các quyền và nghĩa vụ đã được quy định bởi Hiến pháp và luật chuyên ngành; Nhóm các quyền và nghĩa vụ có nội dung cụ thể; Nhóm các quyền và nghĩa vụ được dự thảo luật này bổ sung.

 Thanh niên cũng đồng thời là công dân, vì vậy trước khi được hưởng các quyền và chịu các nghĩa vụ do Luật thanh niên quy định, thì thanh niên cũng nắm giữ các quyền con người, các quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định bởi Hiến pháp, các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, các luật chuyên ngành của Việt Nam. Trong dự thảo luật có rất nhiều quyền và nghĩa vụ có nội dung trùng lặp hoặc chồng lấn với các quyền và nghĩa vụ quy định tại Hiến pháp và các luật chuyên ngành khác. Như vậy các quyền và nghĩa vụ trong dự thảo có nội dung trùng lặp, do đó không đáp ứng chuẩn mực được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời những nội dung trùng lặp này là không cần thiết, bởi chỉ thuần túy nhắc lại những quyền nghĩa vụ đã có, không làm rõ nội hàm của các quyền và nghĩa vụ đã quy định sẵn.

Một số quyền và nghĩa vụ khác được quy định một cách rất chung chung, hoặc sử dụng những ngôn từ mang tính chất chính trị hoặc báo chí thay vì ngôn từ chuẩn xác rõ nghĩa của luật, ví dụ như thanh niên phải tự giác học tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề để lập thân lập nghiệp, và tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, theo quy định của pháp luật, thanh niên phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa chấp hành pháp luật, phòng chống tiêu cực và tệ nạn xã hội. Hay: thanh niên phải gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật, tham gia tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước. Thanh niên phải tích cực đấu tranh với các tổ chức, hoạt động có âm mưu gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Cả hai điều trên đều quy định các nghĩa vụ của thanh niên. Một quy định về nghĩa vụ phải đảm bảo rằng nội dung của nó là dễ hiểu, xác định, và người có nghĩa vụ phải biết mình phải làm gì trong những hoàn cảnh nào. Tuy nhiên khi đọc nội dung của các điều luật trên, rất nhiều câu hỏi phải được đặt ra trước khi có thể xác định được nội hàm thật sự của nghĩa vụ, các câu hỏi đó bao gồm thế nào là gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật, thế nào là tích cực tham gia, thế nào là đấu tranh, thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Những khái niệm mơ hồ này dẫn tới một kết quả là nội dung của các quy định không xác định được, điều này tạo ra khoảng trống gây khó khăn cho việc thực hiện khi luật có hiệu lực.

Nhóm quyền và nghĩa vụ được dự thảo bổ sung. Trong các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, dự thảo quy định một số quyền và nghĩa vụ riêng cho thanh niên mà chưa có ở các văn bản pháp luật khác, đó là các quyền như quyền được tiếp cận, được cung cấp thông tin miễn phí về thị trường lao động; quyền được tham gia các khóa đào tạo nghề, được tham gia đánh giá để cấp chứng chỉ theo khung năng lực kỹ năng nghề quốc gia; quyền được tiếp cận và sử dụng, hưởng thụ các chính sách của nhà nước hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn và phát triến kinh tế xã hội; quyền được giáo dục kiến thức về hôn nhân gia đình, về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Các quyền này được quy định riêng cho thanh niên mới có, trong khi đó nhu cầu hưởng thụ các quyền này còn mở rộng đến tất cả những người không phải là thanh niên, tức là công dân từ trên 30 tuổi, như thế là vi phạm nguyên tắc hiến định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh đó dự thảo cũng quy định thanh niên phải thực hiện một số nghĩa vụ như: tham gia ít nhất 30 giờ lao động tình nguyễn mỗi năm vì lợi ích cộng đồng xã hội, tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp với năng lực,… những quy định như vậy là chưa thật phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, theo đó lao động là quyền của công dân, công dân có quyền tự do lựa chọn làm việc hay không làm việc, tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc… bởi vậy đề nghị điều chỉnh lại các quy định này theo hướng không quy định các quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định các trách nhiệm của thanh niên, trong việc thực hiện chính sách pháp luật của đảng và nhà nước, trách nhiệm của thanh niên đối với tổ quốc và xã hội./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon VẬN DỤNG NHẬN THỨC VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG VÀ CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
Icon VẤN ĐỀ BỔ SUNG CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CHO PHÒNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Icon VẤN ĐỀ VỀ HÒA GIẢI VIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT HÒA GIẢI ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
Icon GIÚP THƯỜNG TRỰC HĐND THỰC HIỆN PHIÊN GIẢI TRÌNH: CÁC BAN HAY VĂN PHÒNG HĐND
Icon VẤN ĐỀ TUYỂN DỤNG TRONG LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC
Icon CÔNG TÁC QUY HOẠCH, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HĐND NHIỆM KỲ 2021-2026: Công minh ắt sẽ chọn đúng người cho công việc
Icon Ý NGHĨA CỦA LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
Icon ĐỂ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 08 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG
Icon VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TRONG LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Icon BẢN CHẤT CỦA VẤN ĐỀ THỜI HẠN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT.
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE