Nguyên tắc và tư tưởng này được kế thừa và phát triển trong quá trình lập hiến, lập pháp của nước ta, cũng như trong tổ chức hoạt động của tòa án nhân dân, theo đó khi xét xử không chỉ có thẩm phán mà còn có hội thẩm nhân dân, và vị hội thẩm cũng ngang quyền với thẩm phán, Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm” quy định này đã được tiếp tục khẳng định cụ thể hóa tại Điều 23 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 12 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 13 Luật tố tụng hành chính...v.v. Cần hiểu quan niệm độc lập như thế nào, ở đây không có triết lý chính trị cao xa gì cả, mà có thể hiểu rằng thẩm phán, hội thẩm không hề và không được tưởng rằng, mình là hạng người độc lập bất khả xâm phạm và ở trên sự lãnh đạo của Đảng, trên các cơ quan khác (lập pháp, hành pháp,…). Độc lập cần hiểu rằng tìm sự thật trong một vụ án, một vụ việc là hết sức khó khăn và công phu, thẩm phán, hội thẩm phải cẩn trọng đọc, nghiên cứu kỹ lưỡng từng tờ giấy, từng bút lục trong hồ sơ, cân nhắc từng dòng biên bản, hỏi bị can, bị cáo, đương sự, những người liên quan, đánh giá khách quan từng chứng cứ, tranh luận công khai, lắng nghe các bên, lắng nghe luận tội, lời bào chữa của luật sư, bào chữa viên nhân dân vv… rồi trên cơ sở pháp luật để phán xử vụ án, mà không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào can thiệp, hay tác động vào. Vậy sự lãnh đạo của Đảng ở đây được hiểu như thế nào, trước hết là Đảng không can thiệp, bao biện nghiệp vụ chuyên môn xét xử của thẩm phán và hội thẩm, mà là đường lối chỉ đạo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; Thứ nữa là quan tâm xây dựng, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp đủ phẩm chất trình độ, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xử đúng pháp luật không có nghĩa là xa rời, bỏ rơi thực tiễn, bởi vì pháp luật không máy móc, chật hẹp, mà pháp luật định một giới hạn đủ để xử lý phù hợp, ví dụ: phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, trong khung ấy thẩm phán, hội thẩm có thể định liệu để áp dụng điều luật cho đúng thực tiễn, đúng tính chất mức độ của hành vi vi phạm (do vậy cũng một tội ấy mà người này thì bị phạt 2 năm, người khác có thể hết khung đến 5 năm). Đời sống luôn biến chuyển không ngừng nên khi áp dụng pháp luật cũng phải linh hoạt, nhưng sự linh hoạt này không phải là được tự do muốn phán xử thể nào cũng được, mà chỉ có thể định liệu trong một giới hạn mà luật cho phép, hay là áp dụng một tập quán mà pháp luật cho phép, tức là vẫn ở trong vòng pháp luật. Trong trường hợp khi các quy định của luật đã lạc hậu không phù hợp, hay trái ngược với thực tiễn thì tòa án chỉ có thể kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật mới mà thôi, chứ không được phán xử trái quy định của luật./.