Nhìn lại chặng đường thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum qua hơn 4 năm triển khai Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025
2-7-2024
Với mục tiêu nâng cao vị thế của thể thao thành tích cao, từng bước tiếp cận thể thao chuyên nghiệp bằng, năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025, và được sửa đổi, bổ sung vào tháng 9 năm 2023. Đến nay thể thao thành tích cao của tỉnh có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, trong đó một số môn xác định là môn thế mạnh, vượt bậc về thành tích như Karatedo, điền kinh có số lượng huy chương đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, đã có một số kiện tướng đóng góp cho lực lượng vận động viên quốc gia, đồng thời vượt mục tiêu cải thiện ví trí xếp hạng trên toàn quốc về tổng sắp huy chương tại kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2022. Đối với yếu tố cốt lõi về mặt con người, hiện nay tỉnh đã xác định xây dựng, phát triển lực lượng vận động viên, huấn luyện viên có tính hệ thống ở 3 tuyến (tuyến thi đấu, tuyến trẻ, tuyến năng khiếu), trong đó để đảm bảo nguồn lực tập trung đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, tỉnh đã thực hiện đào tạo huấn luyện tại tỉnh từ ngân sách tỉnh đối với tuyến đội tuyển 24 vận động viên với 4 môn thế mạnh gồm karatedo, điền kinh, teawondo, võ cổ truyền và tuyến năng khiếu 35 vận động viên với 3 môn gồm bóng đá, điền kinh và võ thuật cổ truyền từ tháng 10/2023; đối với đội tuyển trẻ được đào tạo, huấn luyện tại các câu lạc bộ ở các địa phương. Lực lượng huấn luyện viên hiện nay với 16 người thuộc biên chế do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh quản lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên.
Thực hiện đề án phát triển thể dục thể thao, tỉnh đã thực hiện quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất theo lộ trình. Hiện nay, sân vận động tỉnh đã được đầu tư, đưa sử dụng từ năm 2013 và được cải tạo, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vào năm 2021 với tổng kinh phí đầu tư, sửa chữa hơn 143 tỷ đồng; các hạng mục khác như nhà thi đấu 3.000 chỗ ngồi với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng phục vụ các môn thể thao trong nhà chuẩn bị được bàn giao và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2024. Các công trình này đã cơ bản đáp ứng tổ chức các giải thể thao của tỉnh và giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc. Đồng thời, các công trình thể thao dưới nước, các hạng mục nhà ở cho vận động viên, huấn luyện viên dự kiến tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phong trào xã hội hoá thể thao quần chúng đối với các môn đang có xu hướng phát triển ngày càng nâng lên; sự tham của ngành giáo dục và đào tạo trong tổ chức Hội khoẻ phù đổng định kỳ và hội thao của các lực lượng vũ trang đã góp phần phát hiện và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao cho tỉnh.
Từ sự quyết tâm xây dựng và đầu tư từ nguồn ngân sách, và đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp đối với thể thao thành tích cao trong hơn 4 năm qua đã làm cho bức tranh về thể thao thành tích cao có sự khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều trăn trở, ngân sách chưa thể đảm bảo hết cho thể thao thành tích cao, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để mở rộng phát triển các môn thể thao thế mạnh và các môn thể thao có xu hướng phát triển hiện nay còn rất hạn chế. Ngoài Công ty cổ phần thể thao và giải trí Vị Trí Vàng Kon Tum tiếp quản đội bóng đá hạng nhì của tỉnh để đầu tư, phát triển bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp (khoảng 10 tỷ đồng/năm) từ năm 2022 thì hầu như chưa huy động được nguồn kinh phí xã hội hoá cho cơ sở vật chất, công tác đào tạo, tập huấn của vận động viên, huấn luyện viên nên một số mục tiêu của Đề án chưa đạt được như: chưa có kinh phí hỗ trợ cho tuyến trẻ trong huấn luyện và đào tạo hàng năm dẫn đến không có nguồn vận động viên kế cận; Ứng dụng khoa học - công nghệ, y học trong đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao chưa được triển khai; một số công trình, dự án theo quy hoạch của Khu liên hợp thể thao chậm được triển khai thực hiện; Danh mục thiết bị chuyên dùng cho tập luyện, thi đấu còn ít. Hiện nay đang thiếu hụt nguồn huấn luyện viên chuyên sâu, chuyên nghiệp ở các môn phát triển mạnh như Cầu lông, Bóng bàn, Tennis; vận động viên chưa được tham gia nhiều giải đấu khác để cọ sát, tích luỹ kinh nghiệm; thành tích ở một số môn có thế mạnh chưa đạt như kỳ vọng; chính sách hỗ trợ cho vận động viên, huấn luyện viên còn khá khiêm tốn; việc phát hiện, tuyển chọn, huấn luyện đào tạo tài năng thể thao chưa được quan tâm và phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa ngành chủ quản với các ngành khác và UBND các huyện, thành phố.
Nhận thấy nguyên nhân của những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Đề án trên xuất phát từ việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng với ngân sách nhà nước để đầu tư và xây dựng, mở rộng lực lượng thể thao thành tích cao còn hạn chế; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để thu hút tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước đầu tư vào thể thao thành tích cao; chưa có cơ chế đãi ngộ thu hút huấn luyện viên, vận động viên có tâm huyết, năng lực, trình độ về phục vụ lâu dài tại tỉnh nên mục tiêu hướng đến còn hạn hẹp, chỉ đặt mục tiêu cho Đại hội thể dục thể thao toàn quốc mà chưa vươn tầm ra khu vực. Từ thực tế đó, thiết nghĩ cần tập trung các giải pháp định hướng cho thể thao thành tích cao của tỉnh trong thời gian tới, trước mắt tiếp tục triển khai đề án, trong đó có điều chỉnh, bổ sung mục tiêu và giải pháp phù hợp với nguồn lực hiện có, đặc biệt tăng cường công tác xã hội hoá để đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ huấn luyện đào tạo lực lượng vận động viên chất lượng cao, chú trọng đến tuyển chọn, đào tạo vận động viên có hệ thống, có kế cận; tiếp tục phát động và nâng cao phong trào thể thao quần chúng để kịp thời phát hiện nhân tài thể thao, bổ sung nguồn vận động viên thành tích cao của tỉnh.
Phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh hướng đến hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao theo hướng chuyên nghiệp còn chặng đường khá dài, cùng với sự đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao thành tích cao sẽ làm cho tổng thể bức tranh thể thao của tỉnh nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng ngày càng khởi sắc và đạt mục tiêu trong cải thiện vị trí thể thao của tỉnh so với khu vực và toàn quốc trong thời gian tới