banner
Chủ nhật, ngày 22/12/2024
GIÚP THƯỜNG TRỰC HĐND THỰC HIỆN PHIÊN GIẢI TRÌNH: CÁC BAN HAY VĂN PHÒNG HĐND
4-3-2020
Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật này (khoản 8 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015). Theo đó, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND được quy định tại Điều 72 của Luật. Hiện nay, giao cho cơ quan nào tham mưu, giúp Thường trực HĐND thực hiện có hiệu quả phiên giải trình đang còn có những ý kiến khác nhau...
GIÚP THƯỜNG TRỰC HĐND THỰC HIỆN PHIÊN GIẢI TRÌNH: CÁC BAN HAY VĂN PHÒNG HĐND
Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: VM

Còn đó những băn khoăn

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (viết tắt là Luật GS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Theo đó, luật đã quy định cơ bản căn cứ, trình tự, thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc quyết định vấn đề, kế hoạch tổ chức phiên giải trình, người được yêu cầu giải trình, chủ tọa, kết luận các vấn đề nêu ra tại phiên giải trình.

Gần 04 năm qua, Thường trực HĐND ở một số địa phương trong nước đã triển khai thực hiện nội dung này nhằm bảo đảm thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN ở địa phương và các chủ trương, nghị quyết của HĐND, kết luận của Thường trực HĐND. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND và các ban của HĐND.

Tuy vậy, để giúp Thường trực HĐND tổ chức phiên giải trình tại Phiên họp của Thường trực HĐND vẫn đang còn những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Thường trực HĐND phân công nhiệm vụ cho các ban của HĐND; có ý kiến cho rằng các ban của HĐND chỉ tham gia, còn tham mưu, giúp Thường trực HĐND là Văn phòng nên giao nhiệm vụ này cho Văn phòng HĐND; có ý kiến lại cho rằng căn cứ vào vấn đề giải trình, Thường trực HĐND nên giao các ban của HĐND (tùy lĩnh vực để giao ban chủ trì, ban phối hợp), đồng thời phối hợp với Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị, thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Việc trọng tâm cốt ở các ban của HĐND

Để tiến hành phiên giải trình tại Phiên họp Thường trực HĐND, Thường trực HĐND phải chuẩn bị nhiều việc: từ khâu lựa chọn vấn đề đến xây dựng kế hoạch phân công, phân nhiệm cho các cơ quan của Hội đồng nhân dân...

Vấn đề để yêu cầu giải trình tại Phiên họp Thường trực HĐND quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật GS là “vấn đề mà Thường trực Hội đồng nhân dân quan tâm”. Có thể trên cơ sở ban của HĐND “kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực ban phụ trách (Khoản 4 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015), Thường trực HĐND xem xét, quyết định lựa chọn vấn đề để yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân hữu quan giải trình. Sau khi Thường trực HĐND thống nhất lựa chọn vấn đề, Văn phòng HĐND tham mưu, giúp Thường trực HĐND xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó, Thường trực HĐND phân công nhiệm vụ cụ thể ban chủ trì, ban tham gia và phối hợp với Văn phòng HĐND giúp Thường trực HĐND chuẩn bị phiên giải trình.

Ban Pháp chế của HĐND tỉnh khảo sát thủy lợi Đăk Sia 2 (Sa Thầy). Ảnh: VM

Có ý kiến cho rằng Văn phòng HĐND tham mưu Thường trực HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị và gửi báo cáo giải trình về Thường trực HĐND tỉnh chứ không phải là các ban; các ban của HĐND chỉ tham gia với Thường trực HĐND(!?). Trong một vấn đề có nhiều nội dung. Những nội dung yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương giải trình thuộc các lĩnh vực theo dõi của các Ban HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật. Là lĩnh vực chuyên trách của mình, hơn ai hết, các ban của HĐND là cơ quan theo dõi, nghiên cứu rất kỹ, nắm bắt cặn kẽ từng nội dung nên ban của HĐND tham mưu Thường trực HĐND yêu cầu cơ quan, đơn vị giải trình sẽ đầy đủ và chính xác nhất.

Nếu giao việc này cho Văn phòng HĐND, đối với những vấn đề Văn phòng chưa rõ, nắm chưa sát thì việc chuẩn bị dự thảo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình có thể sẽ không đầy đủ, thậm chí không trúng, không thuyết phục cơ quan, đơn vị... giải trình. Theo luật, Văn phòng không có nhiệm vụ, quyền hạn khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật. Quyền đó thuộc về các Ban của HĐND đã được luật pháp quy định tại khoản 4, Điều 109 Luật TCCQĐP: “Tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công”. Vì vậy, khi được Thường trực HĐND phân công, nếu chưa rõ, nắm chưa chắc chắn thì các Ban của HĐND có toàn quyền khảo sát để làm rõ vấn đề; có thể tổ chức họp ban để nghiên cứu kỹ vấn đề giải trình, qua đó chuẩn bị các câu hỏi yêu cầu cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp tục giải trình tại phiên giải trình và dự thảo các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình.

Sau khi các Ban đã hoàn thành công việc của mình thì báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định thời gian, địa điểm..., đồng thời phối hợp với Văn phòng giúp Thường trực HĐND tổ chức phiên giải trình. Sau phiên giải trình, Văn phòng tổng hợp, hoàn thành văn bản trình Thường trực HĐND ký, ban hành.

Nguyễn Văn Minh (Trưởng phòng TT-DN, Văn phòng HĐND tỉnh)  
Tin liên quan:
Icon VẤN ĐỀ TUYỂN DỤNG TRONG LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC
Icon CÔNG TÁC QUY HOẠCH, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HĐND NHIỆM KỲ 2021-2026: Công minh ắt sẽ chọn đúng người cho công việc
Icon Ý NGHĨA CỦA LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
Icon ĐỂ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 08 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG
Icon VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TRONG LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Icon BẢN CHẤT CỦA VẤN ĐỀ THỜI HẠN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT.
Icon HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG MỘT CÔNG CỤ QUAN TRỌNG TRONG CHÍNH SÁCH THUẾ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Icon TRỰC QUAN HOÁ TRONG GIẢNG DẠY LÀ CÁCH GIÚP NGƯỜI HỌC GIỮ LẠI KIẾN THỨC LÂU HƠN
Icon PHÁT HUY SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG XÃ HỘI ĐỂ XÂY DỰNG TỈNH NHÀ VỮNG MẠNH.
Icon Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng- một biện pháp ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức trong cán bộ đảng viên hiện nay
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE