banner
Thứ 4, ngày 4/12/2024
VẤN ĐỀ VỀ HÒA GIẢI VIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT HÒA GIẢI ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
12-3-2020
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, dự thảo đã quy định tiêu chuẩn của hòa giải viên, theo đó ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thư ký tòa án, chấp hành viên,... thì đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm hòa giải viên. Quy định như vậy đã phù hợp hay chưa, cần xem xét các vấn đề sau: Hiệu quả của hoạt động hòa giải đối thoại phụ thuộc nhiều vào chất lượng của hòa giải viên, hòa giải viên là chủ thể đóng vai trò trung tâm và quyết định thành công của hoạt động hòa giải đối thoại theo luật này. Mặt khác vụ việc yêu cầu tòa án giải quyết thường là những vụ việc có tính phức tạp, đòi hỏi hòa giải viên phải có trình độ năng lực, và kinh nghiệm nhất định, đồng thời phải có kỹ năng hòa giải đối thoại, do đó việc quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện để được xem xét bổ nhiệm hòa giải viên là cần thiết. Ngoài những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu, và những người có hiểu biết về phong tục tập quán, uy tín trong cộng đồng dân cư, có thể trở thành hòa giải viên như quy định của dự thảo, thì luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác cần có thời gian hoạt động thực tiễn nhất định để họ tích lũy, chuyên môn kinh nghiệm, nhất là kiến thức, hiểu biết về kinh tế xã hội để vận dụng vào hoạt động hòa giải các vụ việc dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên quy định phải có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác là dài, tích lũy kinh nghiệm cũng là một kỹ năng, có người chỉ cần ba năm hay năm năm là có thể tích lũy được kinh nghiệm cho mình, có người hàng chục năm thậm chí cả một quá trình dài cũng không tích lũy được kinh nghiệm gì, tuy nhiên muốn có kinh nghiệm thì phải có hoạt động thực tiễn, tán thành với việc quy định phải có số năm công tác trong lĩnh vực nhưng chỉ cần 5 năm là đủ.
VẤN ĐỀ VỀ HÒA GIẢI VIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT HÒA GIẢI ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Về quy định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên với 4 điều kiện trong đó có điều kiện có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải đối thoại của tòa án, tôi cho rằng điều kiện này chỉ nên đặt ra sau khi đã công nhận họ làm hòa giải viên, bởi những người này thường là những người trong cộng đồng dân cư thôn làng, ấp bản và họ thường là những người lớn tuổi, đối với miền núi, tây nguyên thì thường là già làng, việc họ phải đi học để có chứng chỉ là khó khả thi, nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến khả năng không thu hút được những người này làm hòa giải viên, trong khi miền núi, tây nguyên vai trò của già làng, người có uy tín trong làng bản có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. trong trường hợp vẫn giữ nguyên điều kiện này thì dự luật nên có quy định loại trừ đối với các trường hợp là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư là người dân tộc thiểu số ở miền núi, tây nguyên

 Về cơ chế bổ nhiệm hòa giải viên. Dự thảo quy định để làm hòa giải viên phải được bổ nhiệm, và thẩm quyền bổ nhiệm thuộc chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, về vấn đề này cần xem xét hòa giải viên có phải là chức danh tư pháp hay không, có thuộc biên chế của cơ quan tòa án hay không, điều này dự luật đã giới hạn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân trong cơ quan đơn vị thuộc công an nhân dân không được làm hòa giải viên, như vậy hòa giải viên không phải là những người trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, và hòa giải viên cũng không phải là một chức danh tư pháp trong hệ thống chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác bổ nhiệm được hiểu là việc cán bộ, công chức, viên chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị, do vậy không nên sử dụng cơ chế bổ nhiệm mà nên quy định sử dụng cơ chế công nhận hòa giải viên, theo đó khi một người có đủ điều kiện làm hòa giải viên và được cơ quan có thẩm quyền theo luật này quy định đề xuất, thì chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận hòa giải viên.

 Về nhiệm kỳ của hòa giải viên quy định 3 năm là phù hợp, quy định như vậy sẽ thúc đẩy hòa giải viên phát huy năng lực, tâm huyết với công việc, nỗ lực và trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ, để được tái bổ nhiêm, hoặc công nhận lại, đồng thời cũng để sàng lọc kịp thời những hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra dự thảo luật cần quy định rõ hơn về chế độ thù lao thích hợp cho hòa giải viên, các hình thức khen thưởng, kỷ luật hòa giải viên, mối quan hệ giữa hòa giải viên với tòa án; giữa hòa giả viên với thẩm phán trong quá trình hòa giải đối thoại./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon GIÚP THƯỜNG TRỰC HĐND THỰC HIỆN PHIÊN GIẢI TRÌNH: CÁC BAN HAY VĂN PHÒNG HĐND
Icon VẤN ĐỀ TUYỂN DỤNG TRONG LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC
Icon CÔNG TÁC QUY HOẠCH, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HĐND NHIỆM KỲ 2021-2026: Công minh ắt sẽ chọn đúng người cho công việc
Icon Ý NGHĨA CỦA LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
Icon ĐỂ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 08 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG
Icon VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TRONG LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Icon BẢN CHẤT CỦA VẤN ĐỀ THỜI HẠN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT.
Icon HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG MỘT CÔNG CỤ QUAN TRỌNG TRONG CHÍNH SÁCH THUẾ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Icon TRỰC QUAN HOÁ TRONG GIẢNG DẠY LÀ CÁCH GIÚP NGƯỜI HỌC GIỮ LẠI KIẾN THỨC LÂU HƠN
Icon PHÁT HUY SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG XÃ HỘI ĐỂ XÂY DỰNG TỈNH NHÀ VỮNG MẠNH.
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE